Trong môi trường kinh doanh hiện nay, ngoài thị trường đại chúng mà chúng ta biết đến nhiều nhất, vẫn còn tồn tại một thị trường nhỏ hẹp hơn nhưng chứa nhiều lợi ích tiềm năng. Không đâu xa đó chính là thị trường ngách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu hơn về định nghĩa cũng như những tiềm năng, thách thức của thị trường và cách chi tiết để xác định thị trường ngách nhé!
MỤC LỤC
Thị trường ngách là gì?
Thị trường ngách hay còn được biết đến với thuật ngữ tiếng Anh là “Niche market”. Đây là thị trường đề cập đến một phân khúc nhỏ hơn của một thị trường đại chúng, thị trường ngách tập trung vào những nhu cầu hoặc sở thích cụ thể của người tiêu dùng. Một số đặc điểm để nhận dạng thị trường ngách đó chính là: có các tính năng độc đáo, sản phẩm hoặc dịch vụ chuyên biệt và quy mô khách hàng mục tiêu hẹp. Bên cạnh đó, thị trường này có thể được phân biệt bởi các yếu tố khác nhau như nhân khẩu học, vị trí, sở thích và hành vi.
Để hiểu hơn về thị trường ngách, bạn có thể dựa trên ví dụ sau. Trong một thị trường lớn cung cấp các vật phẩm liên quan đến phụ kiện, đồ trang sức, v.v. Có một doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ghim cài áo vest cho nam thì đây chính là một thị trường ngách.
Những tiềm năng khi tham gia thị trường ngách
Trước hết thì thị trường ngách tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tập trung vào mục tiêu của một tệp khách hàng riêng biệt nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ. Nếu thị trường ngách thành công thì có thể sẽ mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp vì họ đã có tệp khách hàng trung thành sẵn sàng trả phí cho các sản phẩm hoặc dịch vụ riêng biệt đó.
Ngoài ra thị trường ngách còn mang lại một số lợi ích như là doanh nghiệp có thể sử dụng các nguồn tài nguyên tiếp thị hiệu quả nhờ vào nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể hơn thị trường lớn. Với thị trường ngách, bạn có nhiều cơ hội để điều chỉnh các chiến dịch tiếp thị của mình dựa theo nhu cầu và sở thích cụ thể của khán giả. Điều này có nghĩa là bạn có thể tạo các thông điệp tiếp thị cá nhân hóa và gây được tiếng vang với khách hàng của mình. Điều này có thể dẫn đến mức độ tin cậy và lòng trung thành cao hơn, cũng như tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.
Thách thức của thị trường ngách
Một trong số những thách thức to lớn nhất của thị trường ngách chính là tiềm năng tăng trưởng nhỏ hơn so với thị trường đại chúng. Lý do là vì quy mô thị trường nhỏ sẽ gây khó khăn cho việc quảng cáo, truyền thông về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt đối với những thị trường ngách có cực kỳ ít khách hàng mục tiêu.
Một thách thức khác của thị trường ngách là có mức độ cạnh tranh cao hơn trong cùng một thị trường. Vì với ít khách hàng hơn, doanh nghiệp của bạn có thể sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các doanh nghiệp khác trong thị trường nhỏ hẹp này. Đặc biệt là khi có một sản phẩm, dịch vụ tốt hơn và thay thế doanh nghiệp của bạn, hoặc các sản phẩm, dịch vụ của bạn trở nên lỗi thời, không còn nhiều giá trị trong chính ngành này. Do đó đây luôn là những thách thức mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi có ý định khai thác thị trường ngách.
Các thị trường ngách phổ biến hiện nay
Tuy tồn tại một số thách thức, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn tập trung phát triển ở thị trường ngách. Trên thực tế, thị trường ngách sẽ trở thành “mỏ vàng” nếu doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, hiểu rõ thị trường đó và tâm lý của người tiêu dùng. Một số loại thị trường ngách phổ biến hiện nay có thể kể đến như là:
- Lối sống bền vững: ống hút giấy, mỹ phẩm thuần chay, các sản phẩm từ thiên nhiên, v.v.
- Sức khỏe và thể chất: các sản phẩm thuần chay, thực phẩm organic 100%, dầu xịt mọc tóc, v.v.
- Thú cưng: thức ăn tự nhiên cho thú cưng, thuốc đuổi bọ chét, trang sức thú cưng, v.v.
- Công nghệ: Kính chặn ánh sáng xanh, phụ kiện cho laptop, thiết bị báo cháy thông minh cho gia đình, v.v.
- Nội thất gia đình: giấy dán tường, đồ trang trí phòng ngủ, v.v.
Cách để xác định thị trường ngách
Thị trường ngách mang lại nhiều tiềm năng phát triển, song chúng vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định. Vì vậy, để kiểm soát điều này thì bạn cần dành thời gian nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chính xác để xác định thị trường ngách phù hợp. Dưới đây là các bước giúp bạn trong quá trình xác định thị trường ngách hiệu quả hơn.
Xác định các vấn đề và nhu cầu của thị trường
Trước tiên, việc xác định các vấn đề và nhu cầu phổ biến ở thời điểm hiện tại sẽ giúp bạn nảy sinh một số ý tưởng về thị trường ngách. Ví dụ như hiện nay, người ta yêu thích những sản phẩm, dịch vụ nào? Động cơ mua hàng của họ là gì? Những tiềm năng, thách thức sẽ gặp phải của thị trường đó là gì? Có cơ hội nào để phát triển thị trường ngách dựa trên những yếu tố đã xác định không? Một số công cụ hay ho và hữu ích sẽ giúp bạn nghiên cứu xu hướng của mọi người hiện nay là Google Trends, Exploding Topics, Answer the public… Những công cụ này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về các từ khóa, xu hướng phổ biến hiện nay để từ đó xác định được quy mô và nhu cầu thị trường.
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Hầu hết trong thời đại hiện nay, tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với sự cạnh tranh. Cho dù bạn hoạt động trong thị trường ngách, bạn vẫn có khả năng phải cạnh tranh với những thương hiệu trong cùng thị trường kép hoặc những doanh nghiệp khác trong thị trường đại chúng. Do đó mà việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cũng là một bước quan trọng.
Khi nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh, bạn cần xác định một số yếu tố như là các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, mức giá của họ ra sao, cách họ phân phối, bán hàng và làm truyền thông như thế nào. Như người xưa thường có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, từ việc nghiên cứu đối thủ, bạn sẽ xác định được những điểm mạnh của họ để học hỏi, phát huy cũng như rút kinh nghiệm từ những điểm yếu.
Xác định thị trường ngách và khả năng sinh lợi
Sau bước nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh, bạn cũng cần quan tâm rằng liệu doanh nghiệp trong thị trường kép có khả năng sinh lợi hay không. Để trả lời cho câu hỏi này, bạn phải xác định được thị trường ngách mình kinh doanh với sản phẩm, dịch vụ là gì. Cụ thể hơn, bạn phải xây dựng một kế hoạch chuẩn chỉnh với những yếu tố cần xác định sau đây:
- Chất lượng sản phẩm của bạn như thế nào, ví dụ như sản phẩm của bạn được làm thủ công hay máy móc, sản phẩm thân thiện với môi trường hay không, sản phẩm được sản xuất đại trà hay có số lượng giới hạn,…
- Mức giá bạn muốn áp dụng với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn như bạn muốn cung cấp sản phẩm xa xỉ hay bình dân?
- Thông tin nhân khẩu học của tệp khách hàng mục tiêu, vị trí địa lý của họ, các thói quen, hành vi mua sắm,… Ví dụ như bạn đang nhắm mục tiêu đến những người ăn chay, vậy họ là những người ăn chay theo kiểu nào, các loại thực phẩm họ thường quan tâm nhất là gì?
Thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ
Trước khi chính thức đưa sản phẩm hoặc dịch vụ giới thiệu ra thị trường, bạn cần thử nghiệm xem mức độ phản ứng và đánh giá của khách hàng về chúng như thế nào. Điều này giúp bạn có thể điều chỉnh hoặc cải tiến sản phẩm kịp thời. Để thực hiện bước này, bạn có thể tạo nên một trang web hoặc landing page đơn giản cho doanh nghiệp của bạn để khách hàng có thể tìm thấy. Sau đó, có thể thử cho khách hàng lựa chọn dùng thử sản phẩm – dịch vụ hoặc gửi đến họ các bộ kit sản phẩm miễn phí.
Từ bước này, bạn có thể đánh giá xem liệu mọi người có muốn bỏ tiền vào sản phẩm, dịch vụ của bạn hay không. Họ có những đánh giá, nhận xét giá trị nào về sản phẩm, dịch vụ của bạn? Liệu sản phẩm, dịch vụ đó có sẵn sàng để ra mắt thị trường hay chưa? Nếu kết quả thử nghiệm không thành công như bạn mong đợi thì bạn cũng đừng loại bỏ hoàn toàn ý tưởng của mình. Thay vào đó hãy quay trở lại từ bước nghiên cứu và tìm cách xác định những điều mà bạn có thể cải thiện sản phẩm hoặc hoạt động marketing của mình.
Tổng kết
Thị trường ngách là thuật ngữ rất phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh và marketing hiện nay. Trên đây là tổng hợp những thông tin quan trọng về thị trường ngách và cách để xác định thị trường này. Hy vọng bạn đọc đã có được những thông tin bổ ích qua bài viết này, và đừng quên chia sẻ bài viết để nhiều người khác được biết đến bạn nhé!
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
Performance Marketing là gì? Tất tần tật kiến thức cần biết về Performance Marketing
Target Market là gì? Cách xác định thị trường mục tiêu chính xác hiệu quả
Career Path là gì? Cách lên kế hoạch Career Path hiệu quả