Trên thị trường hiện nay, USP là một trong những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm của bạn nổi bật và thu hút khách hàng. USP giúp cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn được khách hàng nhận biết và đánh giá cao hơn. Vậy thì USP là gì mà nó lại có vai trò quan trọng đến như thế? Để giải đáp thắc mắc này, bạn hãy cùng Ngáo Content tìm hiểu ngay dưới bài viết này nhé!
MỤC LỤC
Định nghĩa USP là gì?
USP là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Unique Selling Point – nghĩa là điểm bán hàng độc nhất. Nó đề cập đến sự khác biệt độc đáo của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn khi so sánh với các sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự của đối thủ cạnh tranh, ví dụ như doanh nghiệp bạn cung cấp sản phẩm với mức giá rẻ nhất thị trường, thì USP của sản phẩm đó chính là “giá rẻ nhất”. USP chính là lý do tại sao mà khách hàng nên lựa chọn mua hàng của doanh nghiệp bạn. USP có thể là mức giá thấp nhất, chất lượng cao nhất, dịch vụ giao hàng nhanh nhất, vị trí kinh doanh độc đáo nhất, sáng tạo nhất, hậu mãi dài hạn nhất và bất kỳ yếu tố nào khác ảnh hưởng đến hành vi mua của khách hàng.
Vai trò của USP trong Marketing
USP hay Unique Selling Point có thể khiến khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp quyết định mua hoặc sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp bạn, bởi vì họ quan tâm đến USP của sản phẩm, dịch vụ hoặc chính doanh nghiệp. USP rất quan trọng trong môi trường kinh doanh vì nó có thể thu hút người tiêu dùng nhờ vào những ố lợi thế cụ thể và giúp khách hàng có được sự đảm bảo cho sản phẩm, dịch vụ đó. Ngoài ra USP còn đem lại một số lợi ích sau cho doanh nghiệp:
- Trở thành bản sắc của doanh nghiệp: USP có thể trở thành một bản sắc kinh doanh để giúp phân biệt doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh, ví dụ như một số tính năng độc đáo, vật liệu chất lượng, dễ ứng dụng, giá cả phải chăng, dịch vụ tốt, v.v.
- Tăng doanh thu: Khi doanh nghiệp của bạn có USP chứa đựng những ưu điểm của sản phẩm/dịch vụ, người tiêu dùng sẽ coi đây là một dấu hiệu tốt, họ sẽ mua hàng của doanh nghiệp bạn nhiều hơn và chắc chắn sẽ có tác động đến doanh thu của doanh nghiệp.
- Xây dựng hình ảnh: Ngoài việc tăng doanh số bán hàng, bạn cũng có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như có được một thị trường trung thành nhờ hình ảnh thương hiệu tốt.

Cách để xác định USP
Tập trung vào khách hàng
Trải nghiệm và cảm nhận của khách hàng nên được xem là trung tâm trong việc xác định USP cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khách hàng ngày nay ngày càng phải đối mặt với vô số sự lựa chọn trên thị trường và họ có xu hướng đưa ra quyết định một cách nhanh chóng hơn. Do đó, để có thể thu phục được họ, trước hết bạn phải hiểu mong muốn, nhu cầu và những thách thức của họ, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp phù hợp cho họ. Hãy thử tự hỏi mình và tự trả lời những câu hỏi sau:
- Khách hàng của bạn có hành vi mua sắm như thế nào?
- Làm thế nào để họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn?
- Làm thế nào để thương hiệu bạn hợp với trải nghiệm của khách hàng?
- Họ sẽ có loại tương tác nào với bạn thông qua các kênh offline và cả online?
Sau khi đã xác định những thông tin trên, bạn hãy tiếp tục viết ra những giá trị, lợi ích mà bạn có khả năng cung cấp cho khách hàng của mình. Đây sẽ là một bản tóm tắt về định vị thị trường mục tiêu của bạn trong quá trình phát triển USP của mình. Ví dụ như: Doanh nghiệp của tôi sản xuất những sản phẩm này […] hoặc cung cấp những dịch vụ […] là duy nhất đối với khách hàng. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu những khách hàng […] vì chúng tôi cung cấp cho họ giá trị cụ thể là […].
Xác định các giá trị kinh doanh
Sau khi đã xác định những yếu tố giá trị liên quan đến khách hàng, bạn cần phải xác định giá trị kinh doanh của công ty ở bước này. Mỗi công ty đều được tạo ra vì một lý do. Vì thế, hãy tự trả lời rằng giá trị của doanh nghiệp bạn là gì và làm thế nào để bạn mang đến giá trị đó cho khách hàng? USP không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu hay câu cửa miệng bóng bẩy để tung ra thị trường nhằm thu hút khách hàng, thay vào đó nó phải được căn cứ vào một giá trị sâu sắc và có ý nghĩa.
Sau đó hãy xem xét cả các tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn của bạn và thử đứng ở vị trí khách hàng, để áp dụng nhu cầu của khách hàng vào chúng. Điều này không những giúp bạn có thể tập trung vào khách hàng, mà còn giúp đảm bảo tính nhất quán trong thông điệp của doanh nghiệp bạn.

Làm nổi bật điểm mạnh
Nếu chỉ sử dụng những thuật ngữ chung chung sẽ không thể nói lên nhu cầu khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp bạn. Vì thế, khi xem xét và xác định các điểm mạnh của sản phẩm và dịch vụ, bạn cũng phải tập trung chúng xoay quanh nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như làm thế nào để các thuộc tính tốt nhất của sản phẩm, dịch vụ có thể giải quyết thách thức của khách hàng mục tiêu?
Để có thể trả lời cho câu hỏi này, bạn có thể dựa trên mô hình Marketing 4Ps hoặc 7Ps bao gồm các yếu tố sản phẩm (product), chi phí (price), địa điểm (place), xúc tiến (promotion), con người (people), quy trình (process) và các yếu tố vật lý khác (physical evidence). Bạn có thể dựa trên các mô hình này để xác định các đặc điểm khác biệt của các giá trị kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ của bạn nằm ở đâu trong từng yếu tố. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp chúng lại để khám phá điểm mạnh của thương hiệu đa dạng hơn.
Định vị so với đối thủ cạnh tranh
Cuối cùng là sau khi bạn biết điểm mạnh của mình và cách chúng cung cấp giải pháp mà khách hàng cần hoặc muốn, hãy xem xét và định vị bản thân so với đối thủ cạnh tranh của bạn. USP của doanh nghiệp bạn phải thể hiện rõ ràng với khách hàng, về những giá trị hoặc những cách mà bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường ở điểm nào. Bạn có thể làm điều này bằng cách xác định điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh và đối chiếu trực tiếp chúng với những giá trị của doanh nghiệp bạn. Ví dụ như:
- Bạn có đang mang đến cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình không?
- Bạn có đang giúp khách hàng tiếp cận và thanh toán cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn dễ dàng hơn không?
- Bạn có những giá trị, quy trình hoặc kiến thức mạnh mẽ hơn đối thủ không?
- Bạn có cung cấp dịch vụ 24 giờ hoặc giao hàng miễn phí không?

Ví dụ về một số USP độc đáo
Coca-Cola
USP mà Coca-Cola cung cấp cho khách hàng chính là: “Refresh the world. Make a difference”. Tập đoàn nước giải khát nổi tiếng thế giới Coca-Cola đã chuyển hướng sự tập trung vào vấn đề giải khát (refresh) cho USP của họ. Họ dựa trên sự đơn giản của nước giải khát và đồ uống, sau đó kết nối chúng thông qua một ý nghĩa giá trị hơn, nhằm nhấn mạnh sự khác biệt của sản phẩm và công ty bằng cách tuyên bố tầm nhìn của họ là sự bền vững cho hành tinh của chúng ta, với ý nghĩa “Refresh the world – Làm mới thế giới”. Ngoài ra họ cũng nhấn mạnh sự khác biệt thông qua “Make a difference – Tạo sự khác biệt” để thu hút khách hàng tiêu dùng sản phẩm của họ với tâm thế bản thân khác biệt, nhằm gắn kết với thương hiệu hơn.

HubSpot
HubSpot sở hữu một ví dụ tuyệt vời về USP độc đáo có ý nghĩa ghi lại hành trình và trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng nền tảng của họ. HubSpot chính là một thương hiệu cung cấp nền tảng CRM quản lý tất cả các tác vụ trong một phần mềm, từ quản lý nhóm bán hàng, lên các kế hoạch chiến dịch tiếp thị và dịch vụ khách hàng của doanh nghiệp. Với USP “Grow better” của mình, thương hiệu này muốn chỉ ra rằng người dùng có thể bắt đầu sử dụng với trình tạo trang web miễn phí của HubSpot và thêm bất kỳ công cụ nào vào tài khoản của bạn sau khi nâng cấp tài khoản. Do đó, đây chính là cách để khách hàng của họ phát triển tốt hơn, thực tế hơn.

Starbucks
Thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks không chỉ giỏi về việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng mà còn rất tuyệt vời trong việc xác định USP của thương hiệu. Thực tế thì câu chuyện thành công thực sự đằng sau Starbucks không chỉ dừng lại ở chất lượng của sản phẩm cà phê. Starbucks thành công bởi vì nó khiến mọi người kết nối những điều tích cực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày với cà phê “Starbucks”. Ví dụ như đối với một số người, cảm giác hạnh phúc chỉ đơn giản là một cuộc trò chuyện vui vẻ và uống cà phê ngon với bạn bè; đối với những người khác, Starbucks là một sự lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Hiểu được giá trị mà thương hiệu mình mang lại, Starbucks đã xác định USP của mình là: “Expect more than coffee – Mong đợi nhiều hơn cà phê” nhằm truyền đạt sứ mệnh của công ty, đó chính là “sự kết nối”.

IKEA
Công ty nội thất và đồ gia dụng nổi tiếng thuộc đất nước Thụy Điển, IKEA, đã tập trung vào lợi ích tối đa mà họ mang lại cho khách hàng, chính là việc họ cung cấp đồ nội thất chất lượng cao với giá phải chăng để xác định đó như là USP của thương hiệu. Như cái cách mà doanh nghiệp này đã giải thích về tầm nhìn thương hiệu là sản phẩm và dịch vụ của họ đã vượt ra ngoài việc trang trí nội thất gia đình. IKEA không chỉ giúp khách hàng trang trí nhà cửa, mà mục đích của họ còn là góp phần tạo nên cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người – “To create a better everyday life for the many people”.

Tổng kết
Với sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường hiện nay, việc tìm kiếm và xác định những điểm mạnh độc đáo (USP) của sản phẩm hoặc dịch vụ là cực kỳ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp để thu hút khách hàng. Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về USP là gì. Tuy nhiên, để tìm ra USP đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng. Chỉ khi nắm vững USP, doanh nghiệp mới có thể tạo được sự khác biệt và chiến thắng trong cuộc đua thương hiệu. Hy vọng rằng bạn có thể sớm xác định được USP cho doanh nghiệp mình và đạt được tăng trưởng tốt hơn thông qua nó nhé!
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
POSM là gì? Ví dụ về các loại hình POSM phổ biến nhất hiện nay
Keyword Intent là gì? Cách khai thác ý định tìm kiếm của khách hàng triệt để
Brand Guidelines là gì và những điều bạn cần phải biết về Brand Guidelines