“Mình đã mất 15 tỷ để kinh doanh quán cafe” chắc có lẽ là câu nói khá quen thuộc đối với mọi người dạo gần đây. Quán cafe Tứ Phủ hiện nay đang là quán cafe “nổi rần rần” khắp các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đây là một quán cafe nổi lên nhờ không gian độc đáo và phong cách trang trí sáng tạo, trở thành một trong những quán cafe ấn tượng. Vậy, điều gì đã khiến cho quán cafe này nổi đến vậy, cùng Ngáo Content phân tích case study Tứ Phủ cafe này xem có gì đặc biệt nhé!
MỤC LỤC
1. Tổng quan về thị trường cafe Việt Nam
Để có cái nhìn tổng quan nhất về chiến lược Marketing của quán cafe Tứ Phủ, Ngáo Content xin giới thiệu lại về bối cảnh thị trường ngành cafe tại Việt Nam. Theo Bản tin Thị trường Nông, lâm, thủy sản của Bộ Công thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022.
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường Cà phê Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR đạt mức 8.07% trong giai đoạn 2022 – 2027. Theo số liệu của Cục Thống kê Việt Nam, trung bình mỗi người dân tiêu thụ 1.25 kg cà phê/năm.
Có thể nói, thị trường cafe tại Việt Nam luôn là mảnh đất màu mỡ không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh cafe, mà còn là cơ hội đầu tư “vàng” giúp các nhà kinh doanh trong việc mở ra hàng loạt các quán cafe thu hút người tiêu dùng.
Bằng chứng là, theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam do iPOS thực hiện, đến hết năm 2022, Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, chứng kiến 7 năm tăng trưởng liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022 với tốc độ hàng năm (CAGR) khoảng 2%.
Sau covid, các thương hiệu cafe lớn và nhỏ bắt đầu thi nhau “mọc lên như nấm”, giúp cho thị trường F&B trong ngành hàng quán cafe lại trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Không chỉ với các ông lớn trong ngành như The Coffee House, Highlands, Phúc Long,… mà những quán cafe với phong cách đặc biệt cũng ngày một thu hút nhiều đối tượng khách hàng, mà quán cafe Tứ Phủ cũng là một trong những thương hiệu đó.
2. Tổng quan về quán cafe Tứ Phủ
2.1 Giới thiệu thông tin quán
Có thể nói, Tứ Phủ là một trong những quán cafe mới nổi dạo gần đây, chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2022, đây là quán cafe thu hút được rất khán giả không chỉ là các bạn trẻ đến vì mô hình quán, mà còn là những khách hàng có niềm yêu thích với tôn giáo Việt Nam. Dạo gần đây, quán cafe Tứ Phủ bắt đầu “nổi rần rần” trên TikTok với câu nói làm nên thương hiệu của quán “Mình đã mất 15 tỷ để kinh doanh một quán cafe”.
Quán cafe Tứ Phủ tọa lạc ngay đường Điện Biên Phủ (quận 3), quán được xây dựng và trang trí lấy cảm hứng từ tín ngưỡng Thờ Mẫu, hay còn gọi là Đạo Mẫu. Cụ thể hơn, tín ngưỡng Thờ Mẫu là một tín ngưỡng địa phương lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng này được UNESCO chứng nhận là di sản “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Tứ Phủ là một khái niệm trong tín ngưỡng Thờ Mẫu, Tứ phủ sẽ do các Thánh Mẫu cai quản bao gồm:
- Thiên phủ (miền trời): Mẫu Đệ Nhất (Mẫu Thượng Thiên) – người cai quản bầu trời, làm chủ mây, mưa, gió bão, sấm chớp, là vị thần đứng đầu trong Tứ phủ.
- Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu Đệ Nhị (Mẫu Thượng Ngàn) – người trông coi rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.
- Thủy phủ (miền sông nước): Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoài) – người trị vì các miền sông nước, giúp cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp
- Địa phủ (miền đất): Mẫu Địa – người quản lý vùng đất đai, cõi nhân gian.
Nhìn chung, quán cafe Tứ Phủ đã xây dựng một quán cafe rất đặc trưng, độc đáo và sáng tạo tại Việt Nam, thu hút được sự chú ý của rất nhiều khách hàng. Cùng với sự đầu tư về mặt truyền thông, quán cafe Tứ Phủ cũng đang rất được chú ý trên mạng xã hội nhờ những câu nói đặc trưng.
2.2 Khách hàng và loại hình kinh doanh
Nhìn chung, khách hàng chủ yếu của quán là các cô gái mặc áo dài vào chụp hình, các cô chú đã biết tới loại hình nghệ thuật này nên vào để ôn lại kỹ niệm, và một tệp khách hàng là các bạn trẻ tò mò đến xem “quán cafe 15 tỷ” có gì mà được truyền thông như vậy. Tuy nhiên, thực sự rất khó để có thể gắn bó thân thiết với quán vì nhìn chung không gian quán hơi tối, phong cách bài trí cũng không thích hợp với những đối tượng khách hàng đến quán cafe để chạy deadline hoặc làm việc.
Về loại hình kinh doanh, quán lựa chọn không gian thiết kế đa màu sắc lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ Mẫu kết hợp với các thiết kế văn hoá dân gian Việt Nam. Nghe thì khá hay và ý nghĩa, tuy nhiên loại hình văn hóa này nó chỉ phù hợp ở khu vực miền Bắc, và đây cũng là một khái niệm khá mới khi “tiến quân” vào miền Nam, vậy nên không nhận được quá nhiều sự ủng hộ từ phía khách hàng.
2.3 USP
Điểm đặc trưng của quán cafe này so với mặt bằng chung của các quán bên ngoài đó chính là concept xây dựng một quán cafe độc đáo, lần đầu tiên được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này giúp cho quán nhận về sự chú ý từ phía khách hàng tại Sài Gòn. Một quán cafe độc đáo tọa lạc ngay cung đường chính Điện Biên Phủ, điều này cũng là một trong những điểm cộng của quán khi tạo nên được độ nhận diện trong mắt khách hàng.
Không những đầu tư về mặt địa điểm, nằm ngay tại con đường tấp nập người xe qua lại, Tứ Phủ còn được biết đến như một quán cafe khá “chịu chi” khi đầu tư hẳn 15 tỷ cho phong cách bài trí của quán. Quán rất “chịu chơi” khi chi hẳn 1 tỷ chỉ để vẽ tranh tường, đánh giá chung, đây cũng là một mức giá xứng đáng khi vẽ được một công trình mang tính nghệ thuật thì con số này cũng không phải không khả thi.
Một điều nổi bật của quán cafe Tứ Phủ chắc hẳn không thể không kể đến câu nói viral khắp TikTok dạo gần đây “Mình đã mất 15 tỷ để kinh doanh một quá cafe”. Đây cũng được xem là một USP của quán khi khiến khách hàng ghi dấu ấn câu nói này vào tâm trí, dù là tích cực hay tiêu cực, thì chiến lược Marketing của thương hiệu cũng đã tạo được một dấu ấn trong lòng khách hàng mà những quán khác chưa chắc đã làm được.
2.4 Đối thủ cạnh tranh
Chưa xét đến các ông lớn trong ngành như The Coffee House, Phúc Long hay Highlands, Tứ Phủ cũng đang đối mặt với một thách thức lớn khi phải xây dựng cho mình một bộ nhận diện thương hiệu đặc trưng và nổi bật giúp thu hút khách hàng so với những quán cafe tầm trung khác, điều này mang đến một áp lực cạnh tranh không hề nhỏ cho Tứ Phủ trong việc tạo ra giá trị và thu hút khách hàng.
3. Phân tích chiến lược Marketing Case study Tứ Phủ cafe
3.1 Product
Xét về yếu tố Product (sản phẩm) trong yếu tố Marketing, ta có thể nhận thấy được định vị của sản phẩm đang chưa thực sự phù hợp lắm với thị hiếu của khách hàng. Dù quán hướng đến một concept khá hay khi lồng ghép giữa các giá trị tôn giáo và văn hóa dân gian Việt Nam, tuy nhiên tệp khách hàng miền Nam chưa thực sự có hứng thú lắm về những giá trị truyền thống này.
Đại đa số khách hàng đến đây vì sự tò mò về “quán cafe 15 tỷ” trên TikTok, hoặc những khách hàng có hứng thú và biết đến loại hình văn hóa tôn giáo này.
3.2 Price
Tọa lạc giữa lòng con đường Điện Biên Phủ luôn tấp nập người qua lại, vậy nên giá nước ở đây khá cao cũng là điều dễ hiểu. Quán bán thiên về món chay là chính, và mức giá ở đây dao động từ 55.000 – 70.000 VNĐ. Tuy nhiên xét về địa điểm “vàng” thì giá cả ở đây nằm ở mức ổn định chứ không phải quá cao.
Nếu xét về mức giá so với tiền mặt bằng và chi phí xây dựng, cùng với lượng khách hàng không quá nhiều thì đây cũng là một yếu tố đáng xem xét, bởi sẽ không mang đến lợi nhuận cao và lâu dài cho chủ quán.
3.3 Place
Với mặt bằng nằm ngay cung đường một chiều Điện Biên Phủ, thì việc dừng xe, tìm bãi giữ xe cũng là một vấn đề, do con đường luôn nhộn nhịp mà không gian quán thì không có quá nhiều diện tích để có thể trưng dụng làm bãi giữ xe. Đây có thể xem là một lỗi sai khó có thể bù đắp đối với khách hàng, bởi theo tâm lý khách hàng thường sẽ có xu hướng thích những nơi có bãi giữ xe thuận tiện, dễ dàng.
Về địa điểm, chỉ tính riêng vị trí khu vực này thôi thì chỉ cần mở cửa ra kinh doanh thôi là đã bay vài trăm triệu/tháng, nên dù có khách hay không thì tiền để duy trì quán ở địa điểm này thôi cũng là một yếu tố “nhức đầu” đáng phải xem xét rồi.
3.4 Promotion
Do quán vẫn đang còn mới nên các chiến dịch về Marketing vẫn chưa được triển khai rộng rãi, thời gian gần đây do tạo được hiệu ứng kích thích sự tò mò của khách hàng bằng các câu nói “gây sốc” như “Mình đã mất 15 tỷ như thế nào?” để thu hút và dẫn dắt được một lượng khách hàng đến đây, đây cũng có thể coi lại một sự thành công của quán, điều này giúp tạo được dấu ấn và tăng được độ nhận diện về quán trong lòng đối tượng khách hàng.
Tuy tạo được độ lan tỏa về Marketing, nhưng quán chưa thực sự tạo được “một cơn sóng” giúp thu hút được đa dạng tệp khách hàng, bởi đại đa số khách hàng đến với quán thuộc thế hệ gen Z, đến chủ yếu vì tò mò bởi những nội dung trên mạng xã hội. Điều này chỉ tạo được hiệu ứng nhất thời chứ không mang lại hiệu quả lâu dài bởi “trend nhanh đến thì nhanh đi”.
Không những thế, việc cứ lặp đi lặp lại nội dung “15 tỷ” khiến giá trị cốt lõi chung của quán bị ảnh hưởng, làm cho những người từ không có ác ý gì với quán trở thành khó ở, thậm chí quay ngược lại ghét quán.
4. Đề xuất giải pháp Marketing cho quán cafe Tứ Phủ
Tuy nhận về một số những ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên Tứ Phủ muốn gắn bó lâu dài với khách hàng, thì việc điều chỉnh lại các chiến lược Marketing trong tương lai cũng là một điều cần thiết. Ngoài những điểm độc đáo sẵn có của thương hiệu như yếu tố văn hóa, tôn giáo, hình thức thẩm mỹ,… quán cũng nên đầu tư vào những câu chuyện có tính chuyên sâu để khách hàng có thể thấy được một giá trị cốt lõi tích cực, từ đó tạo ấn tượng tốt đến đối tượng khách hàng.
Quán cũng có thể tận dụng những điểm mạnh sẵn có của mình để tận dụng làm các chiến lược Marketing, một số nội dung có thể sáng tạo như: những bức tranh tại quán (vẽ ai, vẽ cái gì, giá trị truyền tải thông qua những bức tranh, nghệ nhận nào tạo nên, ý nghĩa của bức tranh,…), khai thác ý nghĩa tôn giáo thông qua hình thức bài trí, các khu vực riêng tượng trưng cho điều gì, 4 phủ tượng trưng cho điều gì, ý nghĩa của từng phủ,…
Việc truyền đạt những thông tin mang ngụ ý chia sẻ sẽ mang đến hiệu quả truyền thông tốt và tích cực hơn, giúp thay đổi tệp đối tượng khách hàng từ những người đơn thuần “đu trend” thành những khách hàng quan tâm đến hình thức văn hóa Việt Nam.
Nhìn chung, đây là một quán cafe có hình thức độc đáo và mới lạ, cần chú trọng vào việc khai thác chiến lược và câu chuyện có chiều sâu. Việc truyền thông trên nền tảng tiktok tuy cần sự giải trí, nhưng vẫn phải kết hợp giữa cả giá trị thương hiệu, giá trị cốt lõi của chính thương hiệu vào nữa, và giá trị mà Tứ phủ mang lại cho cộng đồng để có lan tỏa đến nhiều khách hàng hơn.
5. Kết luận
Nhìn chung, quán cafe Tứ Phủ vẫn là một trong những cái tên “hot hit” dạo gần đây với những chiến lược Marketing đặc biệt và những giá trị độc đáo do chính quán tạo ra. Mong rằng với những kiến thức về Case Study quán cafe Tứ Phủ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về chiến lược Marketing mà quán đã sử dụng.
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm: