Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển khi họ có được khách hàng và bán được hàng hóa. Do đó mà trong hoạt động kinh doanh, việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm khách hàng tiềm năng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong thị trường kinh doanh rộng lớn như hiện nay thì đâu mới là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp? Vì vậy để có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng hiệu quả hơn, bạn cần phải nắm rõ một số thông tin quan trọng sau.
MỤC LỤC
Khách hàng tiềm năng là gì?
Khác với khách hàng trung thành là những người đã có niềm tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khách hàng tiềm năng là những đối tượng có thể chưa đủ chi phí, thời gian hoặc động lực để mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhưng đã có sự quan tâm và nhu cầu sở hữu chúng. Họ là những khách hàng cần có thời gian, quá trình hoặc trải nghiệm với sản phẩm và dịch vụ để có được niềm tin đối với thương hiệu.
Vai trò của khách hàng tiềm năng
Khách hàng tiềm năng chính là cơ hội đem lại nguồn lợi tốt nếu như doanh nghiệp biết tận dụng, nắm bắt cơ hội đó. Nếu sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp đủ tốt, khách hàng tiềm năng có thể trở thành tệp khách hàng trung thành. Từ đó, doanh nghiệp không chỉ có thêm lợi nhuận từ những vị khách hàng này, mà còn có thể mở rộng thị phần của doanh nghiệp.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên thì khách hàng tiềm năng là những người đã có sự hiểu biết, quan tâm về sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng lại chưa mua chúng vì những lý do nào đó. Nhờ vào việc này, doanh nghiệp có thể tiến hành khảo sát những điểm chưa hài lòng hoặc nghiên cứu thị trường về những nhu cầu còn chưa được đáp ứng của họ. Sau đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những biện pháp cải thiện, khắc phục giúp sản phẩm, dịch vụ tốt hơn hoặc những cách thức tiếp cận khách hàng tiềm năng hiệu quả hơn.
Những nguồn tìm kiếm khách hàng tiềm năng hiệu quả nhất
Các nền tảng mạng xã hội
Trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay, sự bùng nổ của những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube,… là vô cùng to lớn. Do đó, đây chính là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tại các nền tảng mạng xã hội, bạn có thể nghiên cứu và xác định được thói quen, sở thích, hành vi và sự quan tâm của khách hàng và xây dựng nên chân dung khách hàng tiềm năng.
Email marketing
Một hình thức tìm kiếm khách hàng tiềm năng bên cạnh mạng xã hội chính là email marketing. Có rất nhiều cách để doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu email của khách hàng. Ví dụ như từ các chương trình ưu đãi, từ các biểu mẫu đăng ký, những diễn đàn hoặc hội nhóm chia sẻ tài liệu hay thông tin hữu ích,…
Sau khi có được email khách hàng, doanh nghiệp nên chuẩn bị những nội dung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thật hấp dẫn. Ngoài ra có thể đính kèm thêm những ưu đãi, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng hơn.
Báo chí
Trước khi có sự phát triển tột độ của các nền tảng mạng xã hội thì báo chí chính là kênh cung cấp thông tin phổ biến nhất đối với mọi người. Qua thời gian, khi nhu cầu của mọi người ngày càng tăng cao thì báo chí cũng không chỉ dừng ở giấy tờ nữa nhưng đã phát triển các hệ thống báo điện tử. Vì thế, báo chí vẫn được đánh giá là một trong những nguồn tìm kiếm khách hàng tiềm năng phù hợp và đem lại hiệu quả tốt.
Các sự kiện, chương trình
Khác với mạng xã hội, email hoặc báo chí là những kênh tìm kiếm khách hàng online, một nguồn offline để tìm kiếm khách hàng vô cùng hiệu quả khác chính là các sự kiện, chương trình, triển lãm hoặc hội nghị. Tại những địa điểm này, doanh nghiệp có thể đặt các gian hàng quảng cáo, gian hàng triển lãm hay là gian hàng bán hàng. Đây là cơ hội tốt không những giúp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu, quảng bá cho doanh nghiệp mà còn tăng khả năng chuyển đổi của khách hàng.
Các phương pháp tìm kiếm khách hàng tiềm năng
Lập kế hoạch tìm kiếm
Trước khi bắt đầu bất kỳ công việc gì thì lập kế hoạch luôn là bước quan trọng. Đối với việc tìm kiếm khách hàng cũng như thế, bạn cần phải lập kế hoạch chi tiết cho quá trình tìm kiếm. Việc lên kế hoạch sẽ bao gồm những phần như xác định thị trường mục tiêu, xác định nhóm khách hàng tiềm năng, những kênh có khách hàng tiềm năng nhiều nhất, cách mà doanh nghiệp bạn sẽ tiếp cận khách hàng,… Bản kế hoạch càng chi tiết, được đầu tư kỹ lưỡng thì cơ hội chuyển đổi khách hàng sẽ càng cao hơn.
Tận dụng mối quan hệ cá nhân
Một trong những cách tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhanh chóng mà vẫn đem lại hiệu quả cao chính là tận dụng các mối quan hệ xung quanh. Bạn có thể tìm kiếm khách hàng thông qua người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hoặc những người mà bạn quen biết. Với cách này, bạn sẽ dễ có lòng tin của khách hàng cũng như dễ trao đổi, thuyết phục họ hơn.
Học hỏi từ đối thủ cạnh tranh
Việc học hỏi từ đối thủ cạnh tranh không phải là điều gì đáng xấu hổ, thay vào đó nó sẽ giúp cho bạn có một cái nhìn bao quát hơn. Hãy quan sát, nghiên cứu và phân tích đối thủ của bạn, ví dụ như cách mà họ quảng cáo, giới thiệu thương hiệu hay cách mà họ tìm kiếm và tiếp cận khách hàng. Thông qua việc học hỏi, bạn có thể thêm kinh nghiệm, phương pháp của riêng mình để có được kết quả cuối cùng tốt nhất.
Nghiên cứu thị trường
Bên cạnh việc học hỏi từ đối thủ cạnh tranh thì nghiên cứu mặt bằng thị trường chung cũng là một phương pháp quan trọng. Bạn cần phải biết được nhu cầu của khách hàng hiện nay là gì, họ quan tâm điều gì và họ thích những sản phẩm, dịch vụ như thế nào,… Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn nắm rõ insight khách hàng để đưa ra những chiến lược đúng đắn hơn.
Cách quản lý khách hàng tiềm năng hiệu quả
Thu thập thông tin từ khách hàng
Để có thể quản lý khách hàng tiềm năng hiệu quả, trước hết bạn cần thu thập thông tin từ các khách hàng. Việc thu thập thông tin có thể được thực hiện qua hai hình thức online hoặc offline. Đối với hình thức online, bạn có thể thu thập thông tin từ khách hàng bằng các form đăng ký mua hàng, email marketing hoặc tổ chức những chương trình như mini game, give away,… Còn về hình thức offline, một số cách để thu thập thông tin từ khách hàng có thể là thiết kế bản khảo sát, khuyến khích khách đăng ký thẻ thành viên sau mỗi lần mua,…
Phân loại khách hàng theo từng phân khúc khác nhau
Sau khi có được lượng lớn thông tin khách hàng tiềm năng, để quản lý những thông tin đó hiệu quả thì doanh nghiệp cũng cần phân loại khách hàng theo từng nhóm khác nhau. Một số dạng phân khúc khách hàng thường được sử dụng nhiều nhất là:
- Phân khúc theo độ tuổi
- Phân khúc theo địa lý
- Phân khúc theo thói quen mua sắm
- Phân khúc theo tâm lý
- Phân khúc theo thu nhập
Đo lường độ hài lòng của khách
Thấu hiểu tâm lý, cảm nhận và mong muốn của khách hàng cũng là một trong những cách giúp cho việc quản lý khách hàng hiệu quả hơn. Vậy làm thế nào để có được những điều đó? Cách đơn giản nhất chính là đọc những bài chia sẻ, review, cảm nhận của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện các bài khảo sát cả online và offline để đánh giá cảm nhận và độ hài lòng của khách hàng.
Những kỹ năng cần phải trang bị khi tìm kiếm khách hàng
Kỹ năng nghiên cứu
Trước khi có được tệp khách hàng tiềm năng, bạn cần phải có kỹ năng nghiên cứu tốt để hiểu rõ về tâm lý, hành vi, thói quen, sở thích,… của khách hàng. Dựa trên những yếu tố đó, doanh nghiệp mới có thể xây dựng những chiến lược marketing đúng đắn, giúp tạo sự thu hút và dễ gây ấn tượng với khách hàng hơn.
Kỹ năng giao tiếp
Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng bởi nó tập hợp những kỹ năng nhỏ khác như là lắng nghe, ứng xử, truyền đạt thông tin,… Do đó để có thể gây ấn tượng với khách hàng cũng như thuyết phục họ mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, bạn cần phải chuẩn bị và rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp thật tốt.
Kỹ năng xử lý tình huống
Trong quá trình tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nhiều lúc bạn sẽ phải tìm hiểu, tư vấn, trao đổi và thuyết phục họ. Đôi khi bạn có thể đối mặt với một số tình huống bất ngờ xảy đến và với mỗi khách hàng với những đặc thù riêng sẽ dẫn đến nhiều diễn biến tình huống khác nhau. Vì vậy bạn cần phải trang bị kỹ năng xử lý tình huống cũng như rèn luyện sự bình tĩnh, nhạy bén, thấu hiểu để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Kỹ năng về chuyên môn
Bên cạnh những kỹ năng trên thì kỹ năng cũng như khả năng hiểu biết về chuyên môn của doanh nghiệp cũng có một vai trò to lớn. Phải có kỹ năng chuyên môn, bạn mới có thể cung cấp đầy đủ thông tin, chức năng, giá trị của sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng một cách đúng đắn.
Tổng kết
Khách hàng tiềm năng chính là những người có cơ hội tỷ lệ chuyển đổi cao nhất để trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp. Qua bài viết trên tổng hợp những cách tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhất, từ những nguồn tìm kiếm hiệu quả cho đến các kỹ năng quan trọng cần phải có. Hy vọng rằng bạn đọc có thể nắm bắt được những thông tin hữu ích và áp dụng chúng vào các hoạt động kinh doanh của mình.
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
Phân khúc khách hàng là gì? Có bao nhiêu hình thức phân khúc khách hàng?
4 cách để tìm kiếm sở thích và target khách hàng chuẩn khi chạy Facebook ads
Bài PR là gì? Hướng dẫn cách viết bài PR “hút hồn” khách hàng với 3 công thức “kinh điển”