Bài viết PR là gì? Làm thế nào để viết bài PR tinh tế và hấp dẫn? Có những lỗi khi viết bài PR nào cần phải tránh?… Hãy cùng Ngáo Content đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này qua bài viết dưới đây nhé!
MỤC LỤC
Bài PR là gì?
Ngày nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu viết bài PR để nâng cao uy tín thương hiệu, giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ hoặc xử lý khủng hoảng. Vậy bài viết PR là gì?
Trước tiên, PR (Public Relations) hay còn được gọi là quan hệ công chúng, là những hoạt động có kế hoạch và chiến lược để tạo nên danh tiếng cho thương hiệu cũng như giá trị cho một sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Và bài viết PR là một phần của những hoạt động đó.
Theo đó, bài viết PR là một dạng bài viết nhằm mục đích quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như tạo dựng được niềm tin cho khách hàng. Từ đó gia tăng doanh số bán hàng hiệu quả. Mỗi bài viết PR đều nội dung thu hút, câu từ được trau chuốt nhưng vẫn phải đảm bảo độ “trust”, đánh đúng trọng tâm, đồng thời mang đến những giá trị hữu ích cho người đọc.
Xem thêm: Sinh viên học ngành PR – Quan hệ công chúng ra làm việc gì?
Hướng dẫn viết bài PR với các bước cơ bản
Tiêu đề lôi cuốn và thu hút rất quan trọng
Một người bình thường có thể nhìn thấy gần 2000 tiêu đề mỗi ngày và họ bỏ qua 99,7% trong số đó. Do đó, việc viết được một tiêu đề “thôi miên” người đọc là cực kỳ quan trọng. Và đây là một số dạng tiêu đề giúp một bài pr sản phẩm hay được chú ý nhiều hơn:
- Tiêu đề đánh vào sự kỳ vọng hoặc “nỗi đau” của khách hàng
- Tiêu đề nhắm tới đối tượng khách hàng mục tiêu nhất định
- Tiêu đề ăn theo trend
- Tiêu đề sử dụng những con số biết nói
- Tiêu đề khơi gợi tính tò mò của khách hàng
Phần mở đầu bài viết
Khi viết bài PR, phần mở đầu chính là yếu tố quyết định việc người đọc “đi hay ở”. Chính vì vậy, ở phần này hãy cố gắng cung cấp thật ngắn gọn và xúc tích (khoảng 3 – 4 dòng) những lý do tại sao họ nên ở lại để đọc tiếp bài viết của bạn.
Phần thân bài
Đây chính là phần chứa nội dung chính của bài PR. Ở phần này, bạn cần cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ (chức năng, công dụng, tiện ích, sự khác biệt với sản phẩm của đối thủ, lợi ích đối với người dùng,…). Tốt nhất, nên thể hiện thành nhiều đoạn, mỗi đoạn khoảng 3 – 4 dòng để người đọc không cảm thấy nhàm chán.
Đặc biệt lưu ý, đừng quá tâng bốc, đánh bóng sản phẩm/dịch vụ vì sẽ khiến người đọc cảm thấy thiếu thực tế, không đáng tin cậy. Chưa kể trường hợp, nếu họ tin tưởng bài PR và sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó, nhưng chúng lại không được như giới thiệu thì đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất một (vài) khách hàng rồi đó.
Phần kết
Đây chính là phần quyết định khách hàng có “chốt đơn” hay không. Cho nên, bên cạnh tổng kết lại toàn bộ chủ đề một cách súc tích, ngắn gọn và khách quan nhất, bạn nên có thêm yếu tố CTA – kêu gọi khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
Top 10 cách viết bài PR hiệu quả dành cho bạn
So với một bài quảng cáo thông thường, bài viết PR đòi hỏi người viết phải có kỹ năng viết tốt, nắm rõ thông tin thương hiệu/ sản phẩm/ dịch vụ cũng như thấu hiểu insight và tâm lý của khách hàng, để từ đó “kích thích” được họ tìm hiểu và sử dụng sản phẩm. Nhưng dù đã có những “skills” này rồi, bạn vẫn chưa biết viết bài PR sao cho “chất lượng – tinh tế – thu hút”. Vậy thì đừng bỏ qua những những cách viết bài pr tinh tế – hấp dẫn dưới đây nha!
Xác định mục đích của bài PR là để làm gì?
Tùy vào mỗi mục đích cụ thể mà có cách viết khác nhau. Thông thường, sẽ có 4 loại như sau:
- Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới
- Tăng độ nhận diện, uy tín của thương hiệu hoặc giá trị của sản phẩm/dịch vụ
- Thúc đẩy doanh số bán hàng
- Xử lý khủng hoảng truyền thông
Xác định rõ chủ đề cần viết
Nắm rõ được những thông tin về “chủ đề” mình chuẩn bị viết sẽ giúp bạn tìm được cách tiếp cận, diễn đạt và trình bày hiệu quả hơn. Và để chọn được chủ đề phù hợp cho bài PR của mình, bạn nên đặt bản thân vào vị trí của khách hàng. Bởi có như vậy, bài viết của bạn mới thu hút và kích thích được họ.
Độ dài của bài viết PR
Cũng giống như các dạng bài viết khác, bài PR cũng có những quy định độ dài riêng. Chẳng hạn, trên báo giấy là khoảng 150-300 chữ, trên các báo online hoặc trang thông tin thì bạn có thể viết nhiều hơn, khoảng 500 – 800 chữ. Còn trên các diễn đàn thì khoảng 1000 chữ trở lên tùy theo nội dung và lĩnh vực.
Theo Ngáo Content, cách viết bài pr hiệu quả nhất là độ dài chỉ khoảng 500 – 1000 chữ. Viết dài lại thành viết dại đấy!
“Research” là thao tác bắt buộc
Để có một bài pr sản phẩm hay bắt buộc bạn phải thực hiện “Research”. Hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn không tìm hiểu tường tận về vị trí, điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm/dịch vụ cũng như insight của khách hàng thì bài PR của bạn có gì để thu hút với hấp dẫn khách hàng?
Vì vậy, trước khi bắt tay vào viết bài PR hãy cố gắng “cày nát” Google để bài viết của mình trở nên hữu ích cũng như tăng traffic trên các kênh báo online.
Xác định đối tượng truyền thông của bài PR là ai?
Điều này rất quan trọng, bởi đây là căn cứ để bạn chọn cách tiếp cận cũng như hướng viết phù hợp cho bài PR của mình. Nói một cách dễ hiểu, chẳng hạn sản phẩm cần bạn PR là sữa công thức cho trẻ từ 0 – 1 tuổi, như vậy đối tượng truyền thông sẽ là bố mẹ có con trong độ tuổi này. Và để bài viết của bạn có thể “đến gần” đối tượng này, bạn cần:
- Lựa chọn phong cách ngôn ngữ phù hợp
- Lối dẫn dắt “chạm” vào insight của các ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi từ 0 – 1
- Cung cấp những thông tin “đắt giá” về ưu điểm cũng như sự khác biệt của sản phẩm so với đối thủ. Mục đích là để khách hàng thấy được lý do: Tại sao họ nên lựa chọn và sử dụng sản phẩm của bạn cho con của mình?
- Điểm đặc biệt trong chương trình hoặc chiến dịch giới thiệu sản phẩm khiến khách hàng phải chọn bạn chứ không phải đối thủ.
Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh
Các cụ ngày xưa đã dạy rồi “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Chính vì vậy, để có một bài pr sản phẩm hay việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về đối thủ cạnh tranh là nhất định phải làm. Càng tìm hiểu nghiên cứu kỹ, bài PR của bạn càng hiệu quả.
Phác thảo sơ bộ dàn ý của bài PR dựa trên thông tin nghiên cứu được ở các bước trên
Sau khi đã hoàn thành tất cả những cách viết bài pr bên trên, bạn hành dành ra một chút thời gian để tổng hợp, chắt lọc thông tin và sắp xếp chúng thành một dàn ý sơ bộ. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về bài PR của mình, xem được thiếu cái gì, thừa cái gì và cần bổ sung cái gì.
Bài viết PR nên có hình ảnh/video
Đối với một bài viết PR, hình ảnh/video là không thể không có. Bởi chúng không chỉ giúp bài viết sinh động hơn mà còn tăng độ chân thực, dẫn dắt suy nghĩ và tạo niềm tin cho người đọc.
Đừng quên kiểm tra lại thông tin của bài viết PR lần cuối
Kiểm duyệt lại thông tin trong bài viết là việc vô cùng nhàm chán, nhưng không thể không làm. Bởi bài viết PR của bạn sẽ được đăng tải trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc các diễn đàn… Nếu chúng chứa những thông tin sai lệch sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, thương hiệu và sản phẩm. Quan trọng nhất là đánh mất niềm tin của khách hàng.
Nhớ theo dõi phản hồi của khách hàng
Sau khi bài viết PR của bạn được đăng tải, đừng quên theo dõi phản hồi của khách hàng. Đồng thời giải đáp những thắc mắc của họ một cách nhiệt tình và lịch sự. Thực tế, có rất nhiều cây bút bỏ qua cách viết bài pr hiệu quả này. Bởi họ chỉ là người được doanh nghiệp “thuê” để viết bài, sau khi giao bài và nhận tiền thanh toán là không còn trách nhiệm. Tuy nhiên, việc theo dõi phản hồi của khách hàng là một cách giúp bạn rút kinh nghiệm cho những bài viết sau rất hiệu quả đó.
Các công thức viết bài PR hiệu quả
Lượn 1 vòng Google, bạn sẽ thấy có rất nhiều công thức viết bài PR. Nhưng dù là 10, 50 hay 100 công thức thì chung quy vẫn xuất phát từ 3 công thức sau.
Công thức PAS
- Problem: Trong bài viết PR của mình, bạn phải chỉ ra được những VẤN ĐỀ mà người tiêu dùng đang gặp phải.
- Agitate (diễn giải): Triển khai những vấn đề đó sao cho thật tinh tế và hấp dẫn để khuấy động được tâm trí người đọc. Đồng thời, DIỄN GIẢI cho họ hiểu những vấn đề đó đang khiến “nỗi đau” của họ trở nên trầm trọng như thế nào.
- Solve: Hoàn thành bài viết PR bằng cách đưa ra GIẢI PHÁP cho “nỗi đau” của khách hàng (khéo léo lồng ghép lợi ích sản phẩm vào đó). Và đừng quên Call to action để kêu gọi họ hành động nha.
Những mẫu bài pr hay theo công thức PAS
- Uống sữa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút
- Tư vấn miễn phí chế độ ăn cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Công thức 3S
- Star: Bài PR của bạn xoanh quanh một NGÔI SAO cụ thể, đó có thể là người tiêu dùng, độc giả, chính bản thân doanh nghiệp hoặc sản phẩm/dịch vụ. Đừng “tham” quá nhiều “nhân vật chính” để rồi khiến bài viết trở nên lan man, khó hiểu và “lạc trôi”.
- Story: Kể CÂU CHUYỆN điển hình nhất mà ngôi sao của bạn đã trải qua. Hãy chọn những chi tiết đắt giá nhất để đưa lên đầu tiên, như vậy sẽ giúp bài viết hấp dẫn hơn và ngôi sao cũng tỏa sáng hơn.
- Solution: Tiết lộ những GIẢI PHÁP hoặc hành động mà ngôi sao đã làm để vượt qua“nỗi đau” của mình và vươn tới thành công. Hãy “kể” nó một cách ly kỳ nhưng vẫn đảm bảo độ “trust” để khiến người đọc ấn tượng.
Những mẫu bài pr hay theo công thức 3S:
- Bà chủ tiệm đá quý U50 chuyển nghề đi bán bánh ngọt
- Founder nhà phát hành bán cả nhà để làm nên những cuốn sách thiếu nhi thuần Việt
- Hành trình ASUS chinh phục các nhà sáng tạo nội dung trẻ Gen Z
Công thức Strings

Đây là công thức viết bài PR được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Với lối viết LIỆT KÊ – TỔNG HỢP giúp cho người đọc có được thông tin hữu ích nhất về doanh nghiệp, thương hiệu hoặc sản phẩm/dịch vụ.
Những mẫu bài pr hay theo công thức Strings:
- Những quán ăn trên 30 năm đắt khách ở Hà Nội
- Xuất hiện loại kem mới rất đáng thử trong hè này: ngon như kem tươi nhưng có thể ăn ngay ở nhà
- 4 local brand rủ nhau sale đẫm trước thềm Giáng Sinh
Chỉ cần “nắm lòng” 3 công thức cốt lõi này, bạn không chỉ linh hoạt ứng dụng để tạo ra những cách viết bài pr hiệu quả mà vẫn giữ được bản sắc và sự sáng tạo riêng của bản thân.
Những lỗi cơ bản khi viết bài PR
- Tiêu đều/ Mở đầu thiếu hấp dẫn
- Lỗi ngữ pháp
- Sao chép nội dung
- Lỗi lặp từ & lỗi chính tả
- Viết câu quá dài
- Tiêu đề một đằng, nội dung một nẻo
- Các đoạn văn rời rạc, không liên kết với nhau.
- Không phân biệt được văn viết và văn nói
- Không thống nhất khi dùng đại từ nhân xưng
Những mẫu bài pr hay bạn có thể tham khảo
- Xuất hiện quán cà phê đánh Golf tại chỗ giá cực rẻ
- Holiday Homes: Một tọa độ vàng, hai chất sống “chảnh”
- Khám phá cảm hứng “độc bản” trong thiết kế nội thất đương đại cùng BESPOKE Design Studio
- 5 local brand quần áo thiết kế sang chảnh đậm vibe “tiểu thư nhà giàu”
- Hối hận vì ít tiền vẫn cố mua nhà mặt đất
- PR hàng Việt
Không ai viết bài PR tốt ngay từ lần đầu tiên cả. Để có một bài viết “chất lượng – đắt giá” là cả một quá trình. Chính vì vậy hãy cố gắng đọc thật nhiều, viết thật nhiều, làm giàu vốn từ và trau dồi kinh nghiệm sống mỗi ngày nhé. Chúc bạn thành công!
Ngáo Content – Tổng hợp và edit
Có thể bạn quan tâm:
Hướng dẫn viết bài chuẩn SEO đầy đủ cho người mới bắt đầu
Khóa học Content Marketing – Sáng tạo content đa kênh