“Em đã có định hướng gì về công việc sắp tới em đi thực tập/ làm việc chưa? Vị trí ấy sẽ như thế nào? Em muốn mình sẽ được làm và trải nghiệm những gì từ môi trường thực tế ấy? Em chuẩn bị gì để bản thân đáp ứng được?”, những câu này mình hay hỏi nếu có dịp định hướng công việc và tâm sự cùng các bạn sinh viên.
Mình lắng nghe rất nhiều câu trả lời từ các bạn, đâu đó vẫn có bạn nhìn nhận nghề marketing rất màu hồng,… Có lẻ hơn 5 năm nay ở trong ngành thì mình cũng bớt bay bổng như thời sinh viên và có những góc nhìn thực tế hơn, thế nên bài viết này mình sẽ chia sẻ một số sự thật về nghề Marketing mà đâu đó có thể làm các bạn newbie có thêm góc nhìn từ thực tế hơn.
Sự thật về nghề Marketing: Không phải là công việc mà nhiều người vẫn tưởng!
1. Thực tế khi mới vào ngành, bạn ít khi làm đúng với những gì trong sách vở như các bộ môn Marketing Căn Bản hay những đầu sách của Philip Kotler vì đa phần khi mới bắt đầu các bạn sẽ ở những vai trò như intern content, content writer, account, digital ads, SEO,… đây là các vị trí ở tuyến công việc chuyên môn chỉ là 1 mảng tương đối nhỏ trong marketing. Khi càng lên cao hơn, thực chiến và mở rộng kiến thức ra, bước ra khỏi chuyên môn vốn có bạn mới dần sự liên kết của thứ chuyên môn mình làm vào một bức tranh chiến lược marketing tổng thể hơn. Lúc này bạn sẽ cảm nhận rõ hơn thì ra những kiến thức lý thuyết, nền tảng quan trọng và cần thiết như thế nào.
Vì thế nên nó dẫn đến cái thực tế số 2 bên dưới đây.
2. Thực tế, khi đi làm ở công ty thì cơ bản Marketing là hoạt động đầu tư ngân sách để mang lại sự phát triển cho công ty hoặc thương hiệu nào đó bạn làm. Mình thấy Marketing là công việc tổng hòa giữa nghệ thuật và khoa học. Có nhiều người chưa nhìn thấy mặt khoa học, chỉ thấy khía cạnh nghệ thuật mà thôi.
Điển hình như việc bạn chỉ nghĩ rằng công việc content là viết ra 1 chuỗi bài như thế nào cho hay cho sáng tạo mà không thấy được làm sao để ra chuyển đổi hay có sát sao với chiến lược tổng Marketing hay Digital đang hướng đến hay không.
Người làm Marketing thật sự cần nhiều hơn thế, bạn còn cần có tư duy phân tích về những con số, những lựa chọn, quyết định, hành động đằng sau bề mặt lấp lánh mà nhiều người có thể nhìn thấy
3. Bạn còn có thể sẽ nhận được vô số phàn nàn từ phòng kinh doanh. “Tháng này doanh số đi xuống, lead chuyển đổi thấp. lead rác nhiều quá, có có doanh thu là do marketing làm ăn chán quá”, “Em xem đổi chương trình khuyến mãi đi, khách không thích”,… là những câu quá đỗi quen thuộc mà nhiều lúc không nghe chắc bạn lại cảm thấy trống vắng đến lạ thường :))
4. Kế hoạch Marketing ở công ty sau này bạn làm sẽ không rập khuôn theo bất cứ kiểu mẫu nào bạn đã từng được học hay đi học của case study nào đó người ta chia sẻ trên cộng đồng đâu mà yêu cầu bạn phải căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tiễn, plan của team Marketing và sự biến động của thị trường để đưa ra các chiến lược hoàn toàn khác biệt.
5. Khi bạn chọn được một môi trường tốt bạn hạnh phúc 1, khi bạn chọn được người sếp có tư duy – có tầm – có thể định hướng cho bạn biết bạn nên tư duy nhue thế nào để xử lý công việc thì hạnh phúc 1000 lần. Điều nay mình nghĩ, 1 phần do sự chọn lựa của bạn với nơi sẽ đồng hành, 1 phần may mắn tìm được người sếp tốt và 1 phần lớn do nỗ lực của bạn để có thể thu hút được môi trường và những người giỏi ấy. Thật may mắn nếu bạn có thể gặp người sếp tốt để mình học hỏi mỗi ngày.
6. Tuy vị trí bạn ứng tuyển là marketer executive nhưng sếp của bạn sẽ có lưc yêu cầu bạn vừa biết lập kế hoạch, vừa biết viết content, vừa biết thiết kế, vừa biết quay chỉnh video tóp tóp, rồi vừa biết chạy quảng cáo,… Ở một số công ty startup hoặc doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bạn hoàn toàn có thể trở thành “culi đa nhiệm” của phòng Marketing làm đủ thứ việc và phải vật lộn với đủ thứ trên đời. Điều này mình không đánh giá là đúng hay sai, mà chỉ nằm ở góc nhìn của bạn như thế nào. Nếu bạn thấy môi trường phù hợp để gắng bó và nỗ lực từ con số 0 thì nhìn ở góc độ tích cực bạn đang làm nhiều thứ để khiến bản thân đa-zi-năng hơn để gặt quả thành master/ nhân vật kỳ cựu của công ty, còn nếu bạn cảm thấy giai đoạn này bạn muốn chuyên môn hóa và làm đúng với công việc theo định hướng thì một môi trường khác đang chờ bạn. Đừng chọn nghề theo phong trào mà chỉ có sự phù hợp và năng lực đáp ứng của bản thân mới giúp bạn ở lại. Nếu bạn chưa sẵn sàng để trở thành một ngươì đa-zi-năng, có thể hoàn thành tốt mọi công việc sếp giao phó mà không hề phàn nàn hay cố gắng phản biện rằng “Đó không phải việc của em” thì tốt nhất đừng bao giờ chọn công việc Marketing chỉ vì chạy theo “mốt”.
7. Các bạn mới thường mong muốn được làm việc đúng theo chuyên môn mình thấy không sai nhưng theo mình, học thêm nhiều kỹ năng không bao giờ là thừa. Biết càng nhiều sẽ càng có lợi cho tương lai sự nghiệp của bạn với công việc Marketing, vì bạn đâu chỉ mãi làm một nhân viên viết content mãi được, để lên các vị trí cao hơn thì chỉ mỗi 1 kỹ năng chuyên môn ngách là không đủ. Vì vậy, khi bạn nhận thức được điều đó sẽ là lúc bạn ngừng than vãn và dành thời gian đó để học hỏi thật nhiều thứ hơn.
8. Nghề này stress lắm, nhiều lúc muốn bỏ nghề, đi kinh doanh gì đó cho rồi nhưng vẫn cảm thấy mình còn yếu cái này, thiếu cái kia nên chưa dám, nên nhiều người vẫn nấn ná trong ngành để mong muốn học thêm. Thế nên khi làm cũng nên chuẩn bị lộ trình thăng tiến và các lộ trình học để mở rộng kỹ năng cho mình, miễn sao nó hợp với định hướng của bạn thì hãy nỗ lực làm nhé.
9. Vô làm rồi mới thấy nhiều thứ không như là mơ, không màu hồng như mới bắt đầu vẫn tưởng, nhiều lúc công việc cứ lặp đi lặp lại chán lắm khiến nhiều bạn sẽ như một guồng quay chuyển qua công ty khác để làm với mong muốn có cái mới hơn. Nhưng rồi lại đâu vào đấy, công việc lại lặp đi lặp lại và cứ thế,… Vấn đề này nó nằm ở định hướng phát triển của bản thân và chiến lược của công ty như thế nào. Đôi khi, bạn muốn làm nhiều học nhiều nhưng khả năng hoạt động của công ty đó giới hạn, không giúp bạn khai thác bản thân nhiều hơn thì cũng không còn phù hợp. Hoặc chính bản thân bạn không có gì mới để có thể cống hiện cho công ty thì phải xem lại chính mình đã trau dồi đủ nhiều chưa. Mình đi làm với tâm thế gì thì mình sẽ làm việc với tâm thế ấy, dù trong việc nhỏ nhắt hay lớn lao đều như thế, Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc!
10. Marketing không phải là một công việc chạy theo trend cho những ai ngẫu hứng, không phải nghề với danh nghĩa sáng tạo, đi sự kiện này kia, thuyết trình campain sáng tạo triệu đô, rồi giao tiếp, cười nói như rất nhiều bạn trẻ lầm tưởng. Nghe những điều trên thấy nó không hồng lấp lánh nữa mà là muôn màu muôn vẻ, Marketing với mình là một nghề đáng quý, vì nó tạo ra giá trị cho xã hội và cũng như mọi nghề khác thôi, cách DUY NHẤT để phát triển trong nghề Marketing và đi lên là có Tư duy đúng đắn, chịu khó học hỏi, không ngại dấn thân, thử và sai rồi lại đứng lên nỗ lực liên tục và cuối cùng là niềm tin tốt đẹp vào giá trị nghề nghiệp của mình.
Kết luận
Mong rằng những nhận định về sự thật trong nghề Marketing này sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn về ngành mình đang và sắp dấn thân với một tinh thần ĐÓN NHẬN và TRỌN VẸN với nó nhé. Chúc bạn enjoy công việc hiện tại của bản thân thật tốt. Hiểu và Thương <3
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
Mức lương Content Marketing đáng mơ ước mà bạn nên biết
Performance Marketing là gì? Tất tần tật kiến thức cần biết về Performance Marketing