Thuật ngữ Viral đã xuất hiện từ rất lâu và trở thành một thuật ngữ quen thuộc với nhiều doanh nghiệp. Vậy Viral là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Viral và cách tạo một chiến dịch Viral hiệu quả.
MỤC LỤC
Viral là gì?
Có thể bạn chưa biết, Viral bắt nguồn từ “virus” trong tiếng Anh. Nhắc đến Virus có thể hình dung sự lan truyền nhanh chóng của những con “virus” theo cấp số nhân. Viral cũng được dùng theo nghĩa như vậy.
Thuật ngữ Viral dùng để mô tả một nội dung, hay sự vật, sự việc nào đó phổ biến nhanh chóng, được chia sẻ, bàn tán rộng rãi. Mức độ lan truyền này đạt đến mức nó có thể trở thành một cơn sốt (trend) mà bạn có thể gặp bất cứ nơi đâu và nghe thấy, nhìn thấy mọi người nói về nó, dù bạn có muốn hay không.
Ví dụ: Các câu nói hot trend dạo gần đây như “Biết ông Thương không?“, “À lôi“, “Mắc cỡ quá 2 ơi“, “Cậu be” hay chiến dịch thay đổi bộ nhận diện của Vinamilk đều là những ví dụ về nội dung viral.
Viral Marketing là gì?
Tiếp thị lan truyền, còn được gọi là “viral marketing” là một chiến lược tiếp thị trong đó các tổ chức hoặc cá nhân tạo ra nội dung hấp dẫn, thú vị và dễ lan truyền qua mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Mục tiêu của viral marketing là khiến người tiêu dùng tự nguyện chia sẻ nội dung đó với nhau, tạo ra hiện tượng “lây lan” như một virus.
Ví dụ, một video clip hài hước, một ứng dụng độc đáo hoặc một câu chuyện thú vị có khả năng trở thành hiện tượng viral nếu nhiều người chia sẻ và đề cập đến nó trên mạng xã hội, blog, email và các nền tảng trực tuyến khác. Điều này có thể giúp sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu được quảng cáo một cách tự nhiên và mạnh mẽ, thậm chí không cần tốn nhiều nguồn lực cho quảng cáo truyền thống.
Tuy nhiên, việc tạo ra một chiến dịch viral marketing thành công không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nội dung phải thật sự hấp dẫn và phù hợp với đối tượng mục tiêu, đồng thời cần có yếu tố gây tò mò hoặc gợi cảm xúc để khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ.
Tầm quan trọng của Viral trong Marketing
Viral Marketing đem lại hiệu quả cao trong một chiến dịch Marketing, giúp tiếp cận hàng triệu người một cách nhanh chóng, mở rộng thị trường tiềm năng và tạo dựng nhận thức về thương hiệu một cách mạnh mẽ.
– Tiết kiệm chi phí quảng cáo: Viral marketing không cần tốn nhiều ngân sách để đưa nội dung đến khách hàng mục tiêu, mà chỉ cần tận dụng sức lan truyền của các nền tảng truyền thông và mạng xã hội. Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra nội dung chất lượng và hấp dẫn, sau đó để khách hàng lan tỏa cho nhau.
– Phạm vi tiếp cận rộng rãi: Viral marketing có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng trong thời gian ngắn, bởi vì nội dung viral sẽ được lan truyền trên các kênh truyền thông khác nhau, như Youtube, Facebook, Tiktok, Instagram,… Điều này tạo nên hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm và tương tác, thảo luận của người dùng mạng xã hội. Đây cũng là cơ hội tiếp cận đối tượng mục tiêu tốt mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn.
– Tăng độ gắn kết và niềm tin của khách hàng: Viral marketing có thể tạo ra sự gắn kết và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu, khi họ cảm thấy được sự chân thành và giá trị từ những nội dung quảng cáo. Ngoài ra, viral marketing còn tạo ra hiệu ứng tuyên truyền miệng, khi khách hàng chia sẻ kinh nghiệm và cảm nhận của họ về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp cho người khác. Từ đó giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Một số định dạng Content khi sử dụng trong viral
Để tạo nên một chiến dịch viral thành công, nội dung đóng một vai trò quan trọng. Có một số định dạng nội dung phổ biến khi sử dụng trong Viral Marketing:
– Video: Video ngắn, hài hước, ấn tượng, hoặc cảm động thường có khả năng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông. Một video thường có cốt truyện, nhân vật, truyền tải nội dung và thông điệp cụ thể sẽ dễ dàng chạm tới cảm xúc người xem hơn. Đối với những người làm truyền thông, Marketing, video viral luôn mang lại những lợi ích to lớn và được cân nhắc sử dụng nhiều hơn cả. Ví dụ, Honda Vietnam ra mắt sản phẩm mới bắt tay với Đen Vâu đều đạt những thành tích ấn tượng. MV “Đi về nhà” năm 2020 đạt 147 triệu lượt xem và “Mang tiền về cho mẹ” năm 2021 đạt 87 triệu lượt xem.
– Hình ảnh: Hình ảnh độc đáo, sáng tạo và dễ nhớ cũng có khả năng thu hút sự quan tâm và tương tác từ người dùng. Ví dụ, một hình ảnh độc đáo về một sự kiện đặc biệt có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền nhanh chóng khi được chia sẻ trên các nền tảng truyền thông xã hội.
– Meme và GIF: Meme và GIF là các hình ảnh hoặc đoạn video ngắn mang tính hài hước hoặc ý nghĩa sâu sắc, thường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến.
Có những loại hình viral nào?
Trong Viral Marketing, có hai loại hình viral phổ biến:
Viral loại nghe
Đây là hiện tượng lan truyền thông qua truyền miệng, nghĩa là thông điệp hoặc nội dung độc đáo và hấp dẫn được chia sẻ và lan truyền qua các kênh truyền thông cá nhân. Để đạt được sự lan truyền nhanh chóng như vậy, thông điệp cần phải gây tò mò, thú vị và hấp dẫn đối với người nghe. Điều này thường bao gồm việc kể chuyện, cung cấp thông tin gây cười, ngạc nhiên, hoặc hữu ích mà mọi người đều muốn chia sẻ với người khác.
Ví dụ, tổ chức từ thiện “Water is Life” đã thực hiện một chiến dịch Viral Marketing đầy cảm động với video “First World Problems Anthem”. Video này hiển thị những người Haiti cầm bằng chứng trước mắt và đọc những phàn nàn nhẹ nhàng, thường ngày của người dân các nước phát triển. Nhưng sau đó, những người Haiti đáp lại bằng cách đọc những vấn đề thực sự cần thiết như không có nước uống sạch, thiếu thức ăn, hay không có mái nhà.
Video này đã tạo ra một làn sóng lớn, bài hát được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và trở thành hiện tượng, thu hút sự quan tâm của nhiều người và tăng cường nhận thức về vấn đề cần giải quyết của người dân Haiti.
Viral loại nhìn
Đây là hiện tượng lan truyền thông qua nội dung trực quan, như video, hình ảnh và nội dung trực tuyến dễ tiếp cận. Điều quan trọng là phải tạo ra một hình ảnh hoặc video hấp dẫn và gây ấn tượng, để khi người dùng nhìn thấy, họ muốn chia sẻ với người khác.
Một ví dụ kinh điển về viral dạng nhìn có thể kể đến là chiến dịch “Real Beauty Sketches” của Dove đầy ý nghĩa và nhân văn.
Nội dung video kể về một người hoạ sĩ vẽ minh hoạ Gil Zamora đang phác hoạ chân dung của những khách mời nữ tham gia. Anh sẽ vẽ hai bản chân dung cho mỗi người với điều kiện là cả họa sĩ và người mẫu đều không nhìn thấy mặt nhau. Một bản sẽ được vẽ theo chính mô tả của người mẫu, bản còn lại theo mô tả của một người khác về người phụ nữ đó. Kết quả đáng kinh ngạc là bức phác họa được mô tả bởi người khác lại hấp dẫn hơn được người trong tranh mô tả.
Yếu tố cảm xúc con người đã được tận dụng một cách sâu sắc trong video, khiến chiến dịch này trở nên viral. Người xem dễ dàng thấu hiểu và cảm thông với thông điệp “Bạn đẹp hơn bạn nghĩ,” nhấn mạnh việc phụ nữ thường quá khắt khe với bản thân và cần tự yêu thương bản thân nhiều hơn.
Những yếu tố để tạo nên một chiến dịch Viral Marketing thành công
Để tạo nên một chiến dịch viral thành công, hãy xem xét các yếu tố sau:
Nội dung độc nhất
Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một chiến dịch viral marketing thành công là nội dung độc đáo và sáng tạo. Nội dung phải là cái gì đó khác biệt và mới mẻ, một cái gì đó mà người dùng chưa từng thấy trước đó. Khi nội dung là độc nhất, người dùng sẽ có xu hướng muốn chia sẻ với người khác để thể hiện tính cách riêng và sự sáng tạo của họ.
Ví dụ như video trình diễn nhảy & hát dưới mưa kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB của chủ tịch Trần Hùng Huy gây sốt mạng xã hội cũng vì từ trước tới nay người ta chưa từng thấy một vị chủ tịch nhảy hát, năng động như thế bao giờ.
Sự táo bạo
Táo bạo là một yếu tố quan trọng khác trong Viral Marketing. Đôi khi, để tạo nên một chiến dịch viral thành công, bạn cần thách thức giới hạn thông thường và mang đến điều gì đó thú vị và bất ngờ.
Có thể là một câu chuyện hài hước, một ý tưởng gây sốc hoặc một thước phim phản cảm, nhưng nó phải được thực hiện một cách tinh tế và hợp lý để không vi phạm nguyên tắc và giá trị của doanh nghiệp.
Chạm đến cảm xúc người xem
Một yếu tố quan trọng khác để tạo nên một chiến dịch Viral thành công là chạm đến cảm xúc của người xem. Nội dung phải kích thích cảm xúc của người xem, từ hài hước, cảm động đến hồi hộp. Nếu người xem cảm thấy được kết nối với nội dung và có trải nghiệm tích cực với nó, họ sẽ có xu hướng chia sẻ nội dung để chia sẻ cảm xúc và ý kiến của họ với người khác.
Đúng thời điểm
Để có được một chiến dịch Viral dĩ nhiên bạn phải hiểu rõ đối tượng mục tiêu từ tính cách sở thích đến thời gian mà họ thường sử dụng mạng xã hội và tương tác với nội dung. Nếu bạn đăng tải nội dung vào thời điểm phù hợp thì khả năng lan truyền càng cao.
Sự hỗ trợ từ các kênh Social Media
Nếu muốn chiến dịch Viral thành công, việc tận dụng sức mạnh từ các kênh truyền thông mạng xã hội là không thể thiếu. Bằng cách tăng cường sự hiện diện của bạn trên các nền tảng Social Media và tạo các bài đăng hấp dẫn hoặc bạn cũng có thể booking các kênh truyền thông lớn khác để tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm.
7 bước để tạo nên một chiến dịch Viral Marketing
Để tạo hiệu ứng viral và chiến dịch thành công, tất nhiên bạn phải chuẩn bị kế hoạch thật chi tiết, kỹ lưỡng. Sau đây, Ngáo Content sẽ chia sẻ cho bạn các bước để tạo một chiến dịch Viral thu hút:
Bước 1: Nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu
Trước khi bắt đầu chiến dịch Viral, nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu rất quan trọng. Bạn cần hiểu rõ về đối tượng mà bạn muốn tiếp cận, sở thích, tầm nhìn, thói quen sử dụng mạng xã hội. Điều này giúp bạn tạo ra nội dung hấp dẫn và phù hợp với đối tượng mục tiêu của mình.
Bước 2: Đưa ra thông điệp rõ ràng
Xác định thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải thông qua chiến dịch viral của mình. Thông điệp nên rõ ràng, đơn giản, dễ nhớ chạm đến insight khách hàng thì càng dễ viral.
Bước 3: Chọn kênh phân phối
Sau khi xác định thông điệp và đối tượng mục tiêu, bạn cần chọn các kênh phân phối phù hợp để lan truyền nội dung. Điều này có thể bao gồm mạng xã hội, email marketing, blog và các nền tảng trực tuyến khác.
Bước 4: Tạo Content Viral
Để có thể tạo ra Content Viral cũng là một bài toán khó cho đội ngũ doanh nghiệp. Bạn cần chú ý nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đặc biệt mang ý nghĩa chạm tới cảm xúc người xem càng tốt. Về định dạng, 80% các content viral hiện nay được thể hiện dưới dạng video.
Bước 5: Sử dụng #hashtag tạo hiệu ứng lan truyền
Sử dụng hashtag phù hợp và sáng tạo để tạo hiệu ứng lan truyền. Hashtag giúp bạn gắn liền nội dung của mình với các chủ đề nóng hổi và thu hút sự chú ý của người dùng.
Bước 6: Đo lường kết quả
Sau khi đã đưa nội dung cần viral lên các kênh thông tin, bước quan trọng tiếp theo là đo lường kết quả của chiến dịch. Điều này đảm bảo bạn hiểu rõ hiệu quả của chiến dịch và có cơ sở để điều chỉnh sao cho phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất. Các thông tin cần đo lường bao gồm:
- Số lượng kênh đăng tải: Đo xem nội dung viral đã được đăng tải trên bao nhiêu kênh truyền thông. Điều này giúp bạn đánh giá mức độ phủ sóng và tiếp cận của chiến dịch.
- Thời gian thực hiện: Ghi nhận thời gian thực hiện chiến dịch để biết mức độ lan truyền nhanh chóng của nội dung.
- Hiệu quả mỗi kênh: Đo lường hiệu quả mà mỗi kênh truyền thông mang lại. Xem xét số lượng tương tác, lượt chuyển đổi và ảnh hưởng của mỗi kênh để đánh giá hiệu suất.
- Thống kê lượt tương tác và chuyển đổi: Đo lường số lượt tương tác, như lượt like, comment, chia sẻ, và lượt chuyển đổi, như đăng ký, mua hàng.
- Ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh: Đo lường tác động của chiến dịch đến hoạt động kinh doanh như doanh số bán hàng, lợi nhuận, và tăng trưởng doanh số. Điều này cho bạn cái nhìn tổng quan về giá trị thực tế mà chiến dịch đã đem lại.
Bước 7: Quản trị rủi ro
Nếu không thực hiện khéo léo, chiến dịch viral thành công cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi tấn công ngược lại thương hiệu. Vì vậy, bước này quan trọng để đối phó và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
Trước khi triển khai chiến dịch, hãy cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các khả năng và tình huống có thể xảy ra. Đảm bảo rằng nội dung và thông điệp của bạn không gây tranh cãi mạnh, không vi phạm các quy định pháp luật, và không làm tổn hại đến những đối tượng dễ tổn thương: người già, trẻ em, người khuyết tật,…
Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn những mối quan hệ với báo chí, các KOL uy tín và những người phát ngôn, để có cách giải quyết các tình huống xấu có thể phát sinh. Từ đó tránh những điều hướng dư luận sai lệch với mục đích ban đầu.
Ngoài ra, sự lắng nghe cầu tiến và tích cực nhận phản hồi từ phía khách hàng cũng là một cách giúp doanh nghiệp ghi dấu hơn.
Kết luận
Không thể phủ nhận một điều rằng chiến dịch Viral Marketing thành công sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tiếp cận hàng triệu người một cách nhanh chóng và gây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn. Thông qua chia sẻ ở trên, Ngáo Content hy vọng bạn nắm rõ các bước để tạo chiến dịch Viral cho doanh nghiệp của mình.
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm tới:
KOL, KOC là gì? Cách trở thành KOC/ KOL cho người mới
Influence Marketing Là Gì? Tầm Quan Trọng Của Influence Marketing Trong Nền Công Nghệ 4.0
Cách phỏng vấn tìm insight khách hàng hiệu quả mọi marketer cần biết