Hầu hết tất cả những người đã đi làm hoặc chuẩn bị đi làm đều mong muốn bản thân được phát triển trong một môi trường làm việc lý tưởng. Với mỗi cá nhân thì quan điểm về môi trường làm việc lý tưởng có thể khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, bạn có thể đánh giá một môi trường làm việc có ổn định, lý tưởng hay không dựa trên một vài tiêu chí quan trọng. Hãy cùng Ngáo Content theo dõi bài viết dưới đây và tìm hiểu ngay nhé.
MỤC LỤC
Môi trường làm việc lý tưởng là gì?
Có nhiều yếu tố khác nhau trong việc tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng, nhưng để hiểu đơn giản nhất thì một môi trường làm việc thoải mái, tích cực với tác phong chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội để người nhân viên phát triển sẽ được xem là một môi trường làm việc lý tưởng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nơi làm việc lành mạnh chính là nơi có khả năng cung cấp các điều kiện về thể chất, tâm lý, xã hội để bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe, sự an toàn của tất cả người lao động trong công ty. Có thể nói, một môi trường lý tưởng là điều cần thiết đối với mọi công ty để đạt được thành công, nhưng hiện nay còn rất nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thiết lập nên môi trường này.
Các yếu tố chính của một môi trường làm việc lý tưởng
Văn hóa nơi làm việc
Một trong số những yếu tố hàng đầu để xác định mức độ lý tưởng của một môi trường làm việc đó chính là văn hóa công ty, văn hóa nơi làm việc. Đối với những người trưởng thành thì chỗ làm và nhà ở là hai nơi chốn mà dọ dành nhiều thời gian nhất. Do đó, nơi làm việc có vai trò quan trọng vì nó có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực tới nhân viên. Một nơi làm việc có văn hóa giao tiếp cởi mở, thoải mái, thúc đẩy sự sáng tạo và thể hiện quan điểm của nhân viên, cũng như có sự tôn trọng và đoàn kết giữa các nhân viên và cấp trên sẽ thúc đẩy công ty phát triển hơn.
Chế độ lương thưởng
Để đánh giá tính lý tưởng của một môi trường làm việc thì lương thưởng cũng là yếu tố quan trọng. Với người lao động, mức lương mà họ nên nhận được phải phù hợp và xứng đáng với những giá trị về thời gian và công sức mà họ đã bỏ ra. Không chỉ vậy, bên cạnh mức lương lao động, các yếu tố khác như phụ cấp, tiền thưởng liên quan đến hiệu suất công việc, gói bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động cũng cần được quan tâm.
Lộ trình thăng tiến rõ ràng
Các công ty hoặc doanh nghiệp tốt thường cung cấp các cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo và lộ trình thăng tiếng rõ ràng cho nhân viên của họ phát triển. Trong một môi trường làm việc tích cực, mọi nhân viên đều có thể được thăng chức và có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của họ. Mọi người trong doanh nghiệp cũng được thúc đẩy để làm việc hết sức mình, tiến bộ và phát triển mọi khía cạnh năng lực của bản thân.
Bình đẳng trong mọi vấn đề
Trong các môi trường làm việc tiêu cực (toxic), các nhà lãnh đạo, người quản lý thường không tôn trọng nhân viên của họ. Điều này góp phần làm cho tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao hơn, chất lượng làm việc của công ty cũng ngày càng đi xuống. Ngược lại thì một môi trường làm việc tích cực là khi người nhân viên được đánh giá cao, được tôn trọng và được xem như tài sản quý giá của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự bình đẳng không chỉ diễn ra giữa cấp trên và nhân viên, mà đó còn là việc đối xử công bằng giữa nhân viên với nhau, bình đẳng về giới tính, chủng tộc, màu da, xu hướng tính dục,…
Các loại hình môi trường làm việc hiện nay
Môi trường thông thường
Môi trường thông thường là môi trường làm việc truyền thống, với thời gian làm việc theo giờ hành chính. Môi trường này thường có tính ổn định, truyền thống, có trật tự và quy định, thủ tục rõ ràng. Ví dụ thường thấy cho loại môi trường làm việc thông thường chính là các nhân viên văn phòng, công nhân viên chức nhà nước hoặc những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán,…
Môi trường linh hoạt
Khác với môi trường thông thường hoạt động theo giờ hành chính và người nhân viên bắt buộc phải đến văn phòng công ty để làm, môi trường linh hoạt cung cấp cho người lao động sự thoải mái, thuận tiện hơn. Với loại hình môi trường này, người nhân viên có thể làm trong thời gian linh hoạt, không gian làm việc linh động miễn là đáp ứng được yêu cầu về công việc. Môi trường linh hoạt hướng tới mục tiêu cung cấp cho người lao động trạng thái thoải mái nhất để hiệu suất được tăng cao.
Môi trường nghệ thuật
Môi trường nghệ thuật phù hợp với những cá nhân giàu cảm xúc, có sự sáng tạo và mong muốn thể hiện những khía cạnh của bản thân. Dễ thấy nhất trong môi trường nghệ thuật là những người làm nghề diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nhà văn, họa sĩ, thiết kế,… Môi trường này thường tự do và ít quy định về tác phong làm việc, không gian và thời gian làm việc hơn so với môi trường thông thường.
Môi trường thực tế
Môi trường thực tế cũng là một loại mô hình khác biệt, khi phần lớn thời gian người lao động sẽ phải làm việc bên ngoài thực tế. Môi trường này không chỉ thúc đẩy các hoạt động thể chất của người lao động tốt hơn mà còn giúp nâng cao khả năng giao tiếp, các kỹ năng xã hội cho họ. Một số nghề nghiệp phổ biến làm việc trong môi trường thực tế có thể kể đến như là công nhân xây dựng, kỹ sư, nhà quản lý công trình,…
Lợi ích khi làm việc trong một môi trường lý tưởng
Cải thiện năng suất
Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của môi trường làm việc lý tưởng đó là giúp tăng năng suất của nhân viên. Nhiều người đã phải vật lộn với sức khỏe tâm lý của họ, đặc biệt là kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều thay đổi tiêu cực đối với công việc và cuộc sống của mọi người.
Do đó, các công ty cần phải ưu tiên hơn các vấn đề tâm lý và sức khỏe thể chất của người lao động. Khi các công ty cải thiện nơi làm việc thông qua các yếu tố như không gian làm việc, cung cấp nhiều đặc quyền hơn cũng như các chương trình hỗ trợ nhân viên có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự ổn định cho họ. Từ đó, năng suất của nhân viên cũng ngày càng được nâng cao hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Tỷ lệ nghỉ việc thấp
Với một nơi làm việc tiêu cực, khi nhân viên vùi đầu vào công việc mà không có thời gian nghỉ ngơi, họ có thể nhanh chóng kiệt sức và mất tinh thần. Ngược lại thì khi một nơi làm việc có khả năng đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của nhân viên, người lao động tại đây sẽ ít có xu hướng mất hứng thú với công việc hơn. Điều này cũng khiến cho tình huống nhân viên tìm kiếm các nơi làm việc khác giảm đi và tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên công ty thấp hơn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc lành mạnh có thể khuyến khích nhân viên gắn kết và hợp tác hơn, gia tăng sự hài lòng của họ đối với nơi làm việc.
Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp
Khi nhân viên hài lòng với môi trường làm việc lành mạnh của công ty, điều này cũng góp phần cải thiện hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp. Một nơi làm việc lành mạnh cho thấy công ty nghiêm túc trong việc chăm sóc nhân viên của họ, đây cũng là yếu tố chính mà những người xin việc luôn ưu tiên tìm kiếm. Do đó, điểm này giúp cho công ty nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh và dễ dàng thu hút các ứng viên có nhiều năng lực.
Không chỉ vậy, yếu tố môi trường làm việc lý tưởng cũng góp phần trong việc thu hút nhiều khách hàng hơn. Lý do là bởi nhân viên ở một nơi làm việc lành mạnh thường có năng suất cao hơn, dẫn đến chất lượng đầu ra của sản phẩm, dịch vụ cao hơn. Vì thế mà khách hàng sẽ ưa thích các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó hơn.
Thêm cơ hội phát triển
Như đã đề cập ở trên, môi trường làm việc lý tưởng luôn đề cao sự phát triển và có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân viên. Do đó khi làm việc tại môi trường như thế, người nhân viên luôn cảm nhận được sự trân trọng, ủng hộ họ khai phá các tiềm lực của bản thân và phát triển các kỹ năng làm việc. Nhân viên có cơ hội để phát triển cũng là một ưu thế giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu tốt hơn. Vì vậy mà việc đầu tư xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh cũng là nền tảng để các doanh nghiệp ngày càng có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Tổng kết
Môi trường làm việc lý tưởng cải thiện cả sức khỏe thể chất và tâm lý của người lao động, giúp họ có thêm nhiều cơ hội để phát triển hơn và cũng giúp thúc đẩy các giá trị của doanh nghiệp. Bài viết trên cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chi tiết hơn về một môi trường lành mạnh khi làm việc để từ đó có thể đưa ra những lựa chọn về nghề nghiệp, công ty đúng đắn hơn. Cuối cùng là bạn đừng quên theo dõi Ngáo Content để cập nhật thêm những thông tin bổ ích trong tương lai nhé!
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
Career Path là gì? Cách lên kế hoạch Career Path hiệu quả
Tổng hợp các trang tuyển dụng uy tín và chất lượng nhất hiện nay