Nếu bạn là một chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc của một website và đang tìm cách tối ưu hóa website của mình thì chắc hẳn bạn đã nghe đến Google Search Console. Vậy thì Google Search Console là gì? Nó được dùng để làm gì và vai trò của nó quan trọng như thế nào đối với SEO nói riêng và Marketing nói chung? Để biết chi tiết hơn, bạn hãy theo dõi thật kỹ bài viết dưới này nhé!
MỤC LỤC
Giới thiệu về Google Search Console
Google Search Console là một dịch vụ miễn phí do Google cung cấp, giúp bạn theo dõi, duy trì và khắc phục các sự cố về trang web của bạn trên Google. Cụ thể hơn thì nó giúp người dùng đo lưu lượng truy cập vào trang web của họ, cũng như xem hiệu suất của các từ khóa, và nhận các thông báo quan trọng từ Google về trang web. Nó cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về cách hoạt động của một trang web cũng như các cách để điều chỉnh trang web trong chỉ mục của Google.
Tuy nhiên, không giống như Google Analytics, Google Search Console chỉ cung cấp các thông tin về lưu lượng truy cập đến từ những người dùng tìm kiếm trên web, chứ không liên quan đến các lưu lượng truy cập từ quảng cáo hoặc lưu lượng truy cập từ các website giới thiệu khác.
Vai trò của Google Search Console
Cải thiện các chỉ số
Như đã đề cập ở trên, nền tảng Google Search Console cung cấp cho các nhà tiếp thị và các doanh nghiệp những thông tin quan trọng về hiệu suất và theo dõi được các chỉ số quan trọng để có thể điều chỉnh chiến lược marketing của website, thúc đẩy sự tăng trưởng. Một số chỉ số phổ biến và quan trọng mà bạn có thể theo dõi thông qua Google Search Console là:
- Lượt click: Đây là số liệu về số lần nhấp chuột người dùng nhấp vào website của bạn thông qua việc tìm kiếm trên Google. Chỉ số này chính xác chỉ cập nhật về việc người dùng nhấp chuột vào trang web, không liên quan đến việc họ có ở lại website đó lâu hay thoát ra liền. Do đó đây cũng là một phần lý do tại sao chỉ số này bạn thấy trong Search Console không phải lúc nào cũng khớp với báo cáo về landing page của Google Analytics; bởi vì Google đo lường các số liệu này với các định nghĩa có điểm khác nhau.
- Số lượt hiển thị: Chỉ số này còn được biết đến với khái niệm tiếng Anh là “Impressions”. Đây là số lượng hiển thị website của bạn mà người dùng đã nhìn thấy khi họ tìm kiếm trên Google. Số liệu này chỉ liên quan đến việc có bao nhiêu người dùng đã nhìn thấy website của bạn, ngay cả khi họ không bấm vào liên kết website.
- CTR: CTR là viết tắt của cụm từ “Click Through Rate”, chỉ số này được tính dựa trên tỷ lệ nhấp chuột vào website chia cho số lần hiển thị của website. Cụ thể là CTR = Click/Impressions. Chỉ số này sẽ cho bạn biết website của bạn có đủ hấp dẫn hay không, nếu CTR càng cao thì chứng tỏ website của bạn lôi cuốn khách hàng bấm vào và ngược lại.
- Vị trí trung bình: Chỉ số này trong tiếng Anh là “Average Position”, đây là vị trí trung bình của kết quả tìm kiếm hiển thị trang web của bạn. Ví dụ, nếu con số này là “1”, có nghĩa là website của bạn đứng đầu trong kết quả tìm kiếm.
Các chỉ số này rất quan trọng khi thực hiện chiến lược marketing với website của bạn. Google Search Console không chỉ là công cụ để bạn nghiên cứu các từ khóa mới, kiểm tra chỉ mục, mà còn có thể giúp bạn điều chỉnh và tinh chỉnh thêm các chiến dịch SEO sao cho hiệu quả nhất.
Kiểm tra tình trạng website
Đây cũng là một khía cạnh rất giá trị của Google Search Console và đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số. Ngoài các dữ liệu thống kê về các chỉ số đã được liệt kê trên, Google Search Console có thêm tính năng giúp đảm bảo sự hiện diện trang web của bạn trên Google. Cụ thể hơn thì Google cập nhật một số báo cáo có thể giúp các website rất nhiều, chẳng hạn như là chúng không bị phạt vì vi phạm các quy tắc của Google, website không có lỗi nào, hoặc giao diện website thân thiện với thiết bị di động, tốc độ tải trang không quá chậm, v.v.
Cung cấp báo cáo về sơ đồ trang web (Sitemap)
Phần Sitemap trong Google Search Console thường được sử dụng để gửi danh sách tổng số trang của website để Googlebot có thể thu thập dữ liệu chúng một cách dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Bạn có thể sử dụng Sitemap để cho Google biết về các sơ đồ trang web mới cho miền website của doanh nghiệp mình, ngoài ra còn có thể xem tần suất mà chúng được thu thập thông tin và theo dõi bất kỳ lỗi nào mà Google gặp phải khi phân tích cú pháp các sơ đồ trang web đã gửi của bạn. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho bạn thông tin về số lượng URL mới được Google phát hiện trực tiếp từ sơ đồ trang web của bạn. Để biết cách lập chỉ mục cho website thông qua sitemap, hãy tham khảo bài viết cụ thể hơn của Ngáo Content tại đây.
Những ưu điểm và lợi ích từ việc sử dụng Google Search Console
Google Search Console cung cấp cho doanh nghiệp các tính năng, các công cụ cũng như các thông báo quan trọng bao gồm như sau:
- Để Google có thể tìm thấy, xác định và thu thập dữ liệu từ trang web của bạn.
- Khắc phục sự cố về lập chỉ mục và các thông báo yêu cầu việc lập lại hoặc cập nhật chỉ mục với nội dung mới.
- Theo dõi các dữ liệu về lưu lượng truy cập trang web thông qua Google Search với các thông tin cụ thể như tần suất trang web xuất hiện trên Google Search, truy vấn tìm kiếm nào hiển thị trang web của bạn, tần suất người tìm kiếm nhấp qua cho các truy vấn đó, v.v.
- Được nhận thông báo khi Google gặp các vấn đề về lập chỉ mục, spam hoặc các vấn đề khác trên trang web của bạn.
- Hiển thị cho bạn những trang web liên kết đến trang web của bạn.
- Khắc phục sự cố cho AMP, khả năng sử dụng trên thiết bị di động và các tính năng tìm kiếm khác.
Ngành nghề nào nên sử dụng Google Search Console?
Chủ sở hữu doanh nghiệp: Nếu là một người kinh doanh, cho dù không rõ về cách sử dụng Google Search Console, bạn cũng nên tìm hiểu về nó và làm quen với những kiến thức cơ bản. Việc này sẽ giúp ích cho bạn trong việc tối ưu hóa các website, các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn các thuật toán của Google Search để điều chỉnh chiến lược marketing và phát triển website cho hiệu quả.
Chuyên gia SEO hoặc các marketer: Là những người hoạt động tập trung vào Marketing, mà cụ thể hơn chính là Online Marketing thì Google Search Console sẽ là một công cụ cực kỳ tuyệt vời. Nó sẽ giúp bạn trong việc quan sát và theo dõi lưu lượng truy cập trang web cũng như tối ưu hóa thứ hạng website của bạn và đưa ra các quyết định sáng suốt về website. Thông qua Google Search Console, bạn có thể sử dụng các thông tin để dẫn đến các quyết định về mặt kỹ thuật cho trang web. Ngoài ra bạn còn có thể thực hiện phân tích phức tạp kết hợp cùng với các công cụ khác của Google như Google Analytics, Google Trends và Google Ads.
Quản trị viên trang web: Với tư cách là quản trị viên của website, bạn nên quan tâm đến các hoạt động website của mình. Google Search Console hỗ trợ bạn dễ dàng hơn trong một số trường hợp như giải quyết các lỗi máy chủ, các sự cố tải trang và các sự cố bảo mật như hack và phần mềm độc hại. Bạn cũng có thể sử dụng nó để đảm bảo mọi hoạt động bảo trì, hoặc điều chỉnh trang web mà bạn đang thực hiện đều diễn ra suôn sẻ.
Nhà phát triển web: Cũng gần giống với các quản trị viên trang web, Google Search Console chắc chắn là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực chuyên biệt này. Theo Google, nếu bạn đang tạo mã đánh dấu hoặc mã thực tế cho trang web của mình, Search Console sẽ giúp bạn theo dõi và giải quyết các sự cố thường gặp với mã đánh dấu, chẳng hạn như lỗi trong dữ liệu có cấu trúc.
Tổng kết
Tổng kết lại thì Google Search Console là một công cụ cần thiết cho bất kỳ chủ sở hữu trang web nào để đảm bảo rằng trang web của họ có thể hoạt động tốt. Với nhiều tính năng và chức năng, Google Search Console có thể giúp bạn xác định và khắc phục các sự cố cũng như cải thiện khả năng hiển thị tổng thể của trang web của bạn trên web.
Hy vọng rằng bạn đã hiểu rõ Google Search Console là gì và vì vậy, nếu bạn còn chưa bắt đầu sử dụng Google Search Console, đã đến lúc để tận dụng công cụ đầy hữu ích này và bắt đầu cải thiện hiệu suất tìm kiếm trên trang web của bạn ngay từ hôm nay.
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm:
Khái niệm Google chỉ mục là gì và cách lập chỉ mục Google đơn giản, dễ hiểu
Keyword Intent là gì? Cách khai thác ý định tìm kiếm của khách hàng triệt để
Cách tối ưu hình ảnh cho website chuẩn SEO hiệu quả