Biên tập viên có lẽ không phải là nghề nghiệp “lạ” với người trẻ. Tuy nhiên, có thể bạn mới nhìn thấy sự hào nhoáng của công việc này qua phim ảnh hoặc TV mà chưa thực sự sự hiểu rõ nghề biên tập viên là gì. Vậy thì đừng bỏ qua bài viết này nhé, hãy tham khảo để có thể làm một biên tập viên giỏi trong tương lai.
MỤC LỤC
Nghề biên tập viên là gì?
Biên tập viên là vị trí công việc dùng để chỉ người làm nhiệm vụ phê duyệt bài viết của người khác, có thể sửa đổi nếu ngôn từ chưa chuẩn chỉnh, nội dung chưa hợp lý hoặc chưa đi theo hướng ban đầu đã đề ra….
Những ai làm ở vị trí như biên tập sách, biên tập viên truyền hình, biên tập radio, biên tập báo chí… đều được coi là biên tập viên. Ở mỗi nghề nghiệp cụ thể thì biên tập viên cần có những kỹ năng trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, điểm chung khi làm biên tập viên là phải có kiến thức sâu rộng, kỹ năng viết lách tốt, linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Làm biên tập viên nên học ngành gì?
Các khối ngành đào tạo kỹ năng để sinh viên có thể trở thành một biên tập viên là chuyên ngành Việt Nam học, văn hóa học, ngữ văn, các chuyên ngành báo chí… Chương trình học ngoài đào tạo chuyên môn của mỗi chuyên ngành thì sẽ giúp sinh viên tăng khả năng sử dụng ngôn từ để ứng dụng tốt trong công việc.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều bạn trẻ không theo học các trường hay khối ngành kể trên vẫn có thể trở thành một biên tập viên. Có thể kể đến những gương mặt nổi tiếng làm biên tập viên sau khi tốt nghiệp trái ngành như: BTV Quang Minh (tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao), BTV Quốc Khánh (tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ)… Như vậy, nếu muốn làm trái ngành, bạn cần phải tự học và trau dồi kiến thức “không ngừng” để làm tốt công việc của mình.
Công việc của biên tập viên khá đa dạng và phức tạp, bao gồm từ việc nghe ngóng tin tức, lựa chọn đề tài, làm việc với phóng viên, cho tới sửa bài, chỉ dẫn trang…
- Lĩnh vực Báo Chí
Ở các tòa soạn, biên tập viên có nhiệm vụ nhận bài viết của các phóng viên để sàng lọc, chỉnh sửa hình thức, ngôn từ. Biên tập viên không chỉ đảm nhận việc sửa lỗi chính tả mà còn phải kiểm tra nguồn thông tin bài viết, tránh trường hợp thông tin bị bịa đặt, xuyên tạc. Họ chính là người bảo vệ uy tín của toàn soạn và các phóng viên bằng việc kiểm định các thông tin trước khi chúng được xuất bản.
- Lĩnh vực Truyền Hình
Trong lĩnh vực này, biên tập viên thực chất cũng chính là phóng viên truyền hình. Đã bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh chỉnh chu, nhàn nhã của phóng viên trên tivi chưa? Thực chất, công việc của họ không chỉ đơn giản là đọc cho khán giả nghe đâu. Ở khâu chuẩn bị, họ phải lên ý tưởng, tìm kiếm nguồn tin, lấy tin, biên tập thành bản tin, cuối cùng mới là đọc tin cho mọi người nghe đấy.
- Lĩnh vực Xuất Bản
Biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản là một người đảm bảo sự chỉnh chu cho một cuốn sách trước khi nó được xuất bản. Đôi khi, biên tập viên sẽ phải đồng hành cùng tác giả để tạo nên cấu trúc hoàn chỉnh cho một quyển sách. Nội dung một quyển sách bao gồm ti tỉ vấn đề: Từ việc title có bắt tai không, đến dùng ảnh nào minh họa thì sẽ phù hợp, đoạn này diễn đạt đã hợp lí chưa,…
Tại sao bạn nên trở thành một biên tập viên trong tương lai?
Không cần phải nói quá nhiều, có lẽ bạn cũng biết cơ hội nghề nghiệp của vị trí biên tập viên hiện nay là cực kỳ lớn. Vậy thì yếu tố nào sẽ thuyết phục bạn làm một biên tập viên trong tương lai?
Cơ hội phát triển tốt
Ngày nay, nhắc đến biên tập viên đã không còn là những vị trí khô khan, khó nhằn như biên tập cho tòa soạn báo giấy hay biên tập sách vở nữa.Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cơ hội nghề nghiệp của ngành này đã tốt hơn rất nhiều.
Bạn hoàn toàn có thể làm việc trong các tòa soạn, đài truyền hình, kênh radio, các trang báo mạng, các công ty truyền thông – marketing, nhà sách hoặc kể cả là làm việc tự do. Rất nhiều lĩnh vực và công ty (cả nhà nước lẫn tư nhân) cần vị trí này. Dù tính chất công việc ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, nhưng “ưu điểm” là bạn dễ dàng tìm được công việc hợp với mình nhất.
Mức lương hấp dẫn
Làm biên tập viên thì mức lương sẽ được trả theo năng lực của mỗi người. Thông thường mức lương trung bình sẽ rơi vào khoảng 7 – 10 triệu/tháng. Đây không phải là mức thu nhập quá cao nhưng nó “hấp dẫn” ở chỗ, nếu bạn tạo ra được các sản phẩm chất lượng thì mức lương cũng theo đó mà đi lên.
- Mức lương thấp nhất: 3 triệu/tháng
- Lương ở bậc thấp: 7 triệu/tháng
- Lương ở bậc cao: 11 triệu/tháng
- Lương ở bậc cao nhất: 25 triệu/tháng
Những thách thức cho bạn cơ hội
Có thể ai cũng nói rằng “nghề nào mà chẳng có khó khăn và thách thức”. Làm biên tập viên cũng không ngoại lệ, nhưng thách thức trong ngành này sẽ cho bạn những cơ hội để tăng kỹ năng, tăng thu nhập và nhiều thứ khác nữa.
- Áp lực công việc là luôn luôn có với một người làm nội dung. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho những nội dung mà mình biên tập, luôn cần sử đổi mới để hướng tới nhiều đối tượng khán thính giả.
- Bạn sẽ phải thật sự nhạy bén với những xu hướng mới và sự thay đổi của thời đại. Thế giới thì không ngừng phát triển, cộng đồng khán thính giả cũng dần khắt khe hơn với các nội dung họ đọc được, nghe được. Vậy nên bên cạnh tính chỉn chu của công việc, người làm biên tập viên phải luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.
Những tố chất và kỹ năng cần có khi làm nghề biên tập viên
Tố chất là bản chất vốn có của mỗi con người, nghĩa là từ khi sinh ra, trong bạn đã có những tố chất riêng biệt. Vậy nên nếu tìm kiếm những tố chất mà người làm nghề biên tập viên cần có thì đó chính là sự trung thực, tính tỉ mỉ, là người biết cách ứng xử và có trách nhiệm trong công việc.
Thế nhưng, kỹ năng thì khác, kỹ năng là cách mỗi người vận dụng khả năng – năng lực của mình trong công việc. Và kỹ năng có thể rèn luyện được. Những kỹ năng mà một người muốn làm biên tập viên nên có đó là:
- Khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, biết vận dụng linh hoạt kiến thức về ngôn từ trong mọi hoàn thành, mọi trường hợp
- Luôn sáng tạo, luôn sẵn sàng thay đổi, năng động
- Biết nắm bắt thời cơ và xu thế chung
- Biết tìm lỗi và sửa lỗi. Rèn luyện kỹ năng này tốt thì bạn mới có thể biên tập tốt nội dung của người khác.
Yêu cầu của một biên tập viên giỏi
- Biết tìm lỗi, cầu toàn
Để bạn có thể trở thành một biên tập giỏi và phát triển trong nghề này, không phải bạn câu nệ việc “vạch lá tìm sâu” mà phải biết tìm đúng lỗi để fix nó cho phù hợp.
Cũng không phải lúc nào dùng từ ngữ đao to búa lớn cũng hiệu quả. Một biên tập viên thông minh phải biết đứng từ điểm nhìn của người viết, người sản xuất cũng như phía người đọc, người tiếp nhận. Họ cần đảm bảo chất lượng của bài viết sao cho không bị lủng củng, trùng lặp.
- Có khả năng diễn đạt tốt
“Diễn đạt tốt” là biết cách nói/viết làm sao cho người ta dễ hiểu nhất. Người làm ở vị trí biên tập viên thì sức mạnh của ngôn từ, cách lựa chọn từ ngữ, diễn đạt phù hợp là vô cùng quan trọng. Không chỉ vậy, khi bạn làm nghề này bạn còn phải nói có sách, mách có chứng. Mọi thông tin bạn nói/viết ra đều phải qua kiểm duyệt, đảm bảo về mặt chất lượng, như vậy mới có sức thuyết phục với một lượng độc giả lớn.
- Nắm vững ngữ pháp và chính tả
Lỗi chính tả, ngữ pháp là một trong những lỗi đại kỵ của bạn làm nghề biên tập viên. Độc giả dễ đánh giá thấp khả năng của biên tập viên khi thấy xuất hiện những lỗi ngớ ngẩn như vậy. Vì vậy, biên tập viên cần đọc, viết thật nhiều, có một lượng từ vựng rộng để tránh mắc những lỗi sai liên quan đến chính tả, ngữ pháp.
- Tỉ mỉ, cẩn thận
Hẳn không quá khó hiểu khi Ngáo Content nói rằng nghề biên tập viên cần rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận, nghiêm cấm sự cẩu thả, qua loa. Bởi vì, biên tập viên là người đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm hình ảnh thương hiệu sản phẩm. Bởi vậy, họ cần cẩn trọng với từng chi tiết nhỏ nhất. Sự khác biệt giữa quyển sách của nhà xuất bản này với quyển sách của nhà xuất bản khác là chi tiết. Sự khác biệt giữa biên tập viên tốt với biên tập viên kém cũng nằm trọn trong những chi tiết đó.
- Kỹ năng quản lí đội ngũ
Biên tập viên không chỉ phải làm việc với những người trong công ty, mà nhiều lúc còn phải làm việc với rất nhiều các cộng tác viên. Điều này đòi hỏi biên tập viên cũng phải biết quản lí người khác, hiểu rõ nhu cầu và khả năng của họ, từ đó đưa ra những dánh giá, nhận xét khách quan nhất để các bên cùng phát triển.
- Có trách nhiệm với công việc
Cuối cùng một biên tập viên phải nhận thức được trách nhiệm của mình với công việc. Họ phải hoàn thành đúng công việc được giao theo đúng tiến độ để không làm ảnh hưởng đến dự án, đồng thời tiếp thu ý kiến của quản lý và độc giả để hoàn thiện các kỹ năng của mình tốt hơn, mang lại cho độc giả các bài viết chất lượng nhất.
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đầy đủ thông tin về nghề biên tập viên – ngành nghề đang cực hot hiện nay. Nếu bạn muốn làm biên tập viên thì hãy rèn luyện thật tốt nhé, chúc bạn thành công với những dự định của mình.
Ngáo Content