Có người nói sinh viên học ngành PR – Quan hệ công chúng ra công việc rộng mở, có người lại bảo tỷ lệ thất nghiệp của ngành này luôn cao. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được độ hot của ngành quan hệ công chúng những năm gần đây. Vì vậy, bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ về các thông tin ngành học và cơ hội việc làm của ngành PR bạn nhé.
Ngành PR (Quan hệ công chúng) là gì?
PR là từ viết tắt của Public Relation – nghĩa tiếng việt là quan hệ công chúng và thường được gọi với tên viết tắt là ngành PR. Quan hệ công chúng sẽ là nơi thực hiện các công việc, chiến lược để làm “cầu nối” giữa tổ chức/doanh nghiệp với khách hàng, nhà đầu tư, báo giới… Từ đó, giúp khẳng định tên tuổi của tổ chức/doanh nghiệp trong tiến trình phát triển của họ.
Trong thời kỳ hội nhập, quan hệ công chúng được xem là nghề “giữ hồn” cho thương hiệu để thương hiệu có thể phát triển mạnh mẽ, độ nhận diện được phủ sóng cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay cũng rất chú trọng đầu tư một đội ngũ nhân viên PR chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng tốt. Bộ phận PR có thể được tách riêng hoặc gộp cùng với đội marketing, điều này phụ thuộc vào quy mô và kế hoạch phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng Dẫn Chi Tiết Tự Học Digital Marketing Từ A-Z Cho Người Mới Bắt Đầu
- Tổng hợp nhóm công cụ hỗ trợ Marketing về Digital Marketing, SEO và MMO
Sinh viên sẽ được đào tạo gì khi học ngành PR?
Sinh viên học ngành PR ngoài việc học các chương trình cơ bản của Đại học/Cao đẳng thì sẽ được dạy các kiến thức trong nghề truyền thông và các kỹ năng liên quan, cụ thể như:
- Truyền thông đại cương
- Kỹ năng viết báo, kỹ năng truyền hình
- Quản trị website
- Quản trị, xây dựng, bảo vệ thương hiệu
- Tổ chức sự kiện
- Quan hệ công chúng
- Ngoại ngữ và bộ môn xã hội
Các kiến thức này khá giống với kiến thức được đào tạo trong chuyên ngành báo chí hoặc marketing nên chương trình đào tạo thường được tích hợp cùng 2 ngành trên. Lợi ích của việc đào tạo tích hợp này là sinh viên học ngành PR ra trường sẽ làm được đa dạng vị trí, lĩnh vực mà không bị gò bó.
Sinh viên học ngành PR ra trường sẽ làm gì, làm việc ở đâu?
Sinh viên học ngành PR sau khi ra trường có thể làm việc tại ở bộ phận PR – Marketing trong các doanh nghiệp, Agency marketing, tòa soạn, đài truyền hình, đài phát thanh hoặc tham gia giảng dạy trong các trung tâm, trường Đại học/Cao đẳng…. Các tổ chức chính phủ cũng như tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, liên đoàn… trong và ngoài nước đều cần bộ phận này.
Những công việc liên quan đến ngành PR – quan hệ công chúng có thể kể đến như:
- Chuyên viên truyền thông: nơi sẽ phụ trách các hoạt động truyền thông nội bộ tại bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nào. Công việc thường là phụ trách mối quan hệ với báo chí, đơn vị truyền thông và tổ chức sự kiện.
- Chuyên viên tư vấn quan hệ công chúng: Chuyên phân tích, tư vấn, lập báo cáo và đưa ra giải pháp về các mối quan hệ truyền thông đối nội – đối ngoại ở đơn vị làm việc.
- Phóng viên, biên tập viên: Làm việc tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hay các kênh truyền thông ở các tỉnh thành….
- Chuyên viên marketing: Lĩnh vực marketing khá rộng nên sinh viên học ngành PR có thể có nhiều lựa chọn khi làm việc trong ngành này. Hãy chọn công việc phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình nhé.
- Giảng viên, trợ giảng: Là người giảng dạy hoặc trợ lý giảng dạy về ngành quan hệ công chúng tại các cơ sở giáo dục.
Cơ hội việc làm và mức lương của ngành PR
Như đã đưa ra ở đầu bài viết, sinh viên học ngành PR có thể có nhiều việc làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng không phải ít. Vậy lý do là gì?
Sự bùng nổ của toàn cầu hóa giúp cho ngành truyền thông ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Cơ hội việc làm của ngành những năm gần đây cũng không ngừng tăng cao. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường khá hấp dẫn là 7 – 10 triệu/tháng. Nếu kinh nghiệm từ 3 – 5 năm thì mức lương có thể tăng tới 15 – 23 triệu/tháng và lương sẽ còn tăng theo kinh nghiệm, vị trí làm việc.
Bên cạnh đó, như đã liệt kê các công việc trong ngành PR ở phần trên, có thể thấy vị trí công việc và lĩnh vực đều rất đa dạng. Với cơ hội việc làm lớn như vậy, thì thách thức duy nhất cho sinh viên học ngành PR mới ra trường là phải chứng tỏ được năng lực, bản lĩnh, đam mê của mình để tìm được công việc đúng ngành như ý muốn. Các bạn sinh viên cần phải nỗ lực để cạnh tranh với nhau và với chính mình trong ngành sáng tạo đầy tính đột biến này vì cơ hội sẽ nằm trong tay của mỗi người.
Hy vọng bài viết đã giúp các bạn sinh viên học ngành PR có thêm góc nhìn về ngành học và cơ hội việc làm của ngành này. Làm việc trong ngành quan hệ công chúng không phải dễ dàng nhưng lại vô cùng thú vị đấy, các bạn hãy thật cố gắng nha!
Nguồn: Ngáo Content
Có thể bạn quan tâm: