“Nếu trong tình thế em phải làm marketing cho một công ty có sản phẩm tác động xấu đến người tiêu dùng thì em sẽ xử lý như thế nào?”
“Dạ, …chắc em nghỉ việc…”
Tối qua trong buổi quay podcast “Nhìn sâu về giá trị nghề marketing” với UAN mình nhận được câu hỏi này, nó làm mình đắn đo một lúc lâu.
Với mình Marketing có thể xấu, nhưng cũng có thể rất tốt!
Marketing có thể giúp tạo nhận thức, thay đổi tư duy và giúp cuộc sống của nhiều người trở nên tốt hơn
Marketing có thể giúp nhiều người có thêm thông tin và được giáo dục
Marketing có thể tạo nền tảng cho sự sáng tạo, nghệ thuật của nhiều người
Marketing có thể thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới, tạo nên những còn người/ doanh nghiệp vĩ đại
Marketing có thể tạo ra việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế
…
Hằng ngày tụi mình tiếp cận với các hoạt động marketing hoặc các sản phẩm được marketing rất rất nhiều. Nó như cuộc sống của tụi mình vậy.
Tất cả chỉ là tụi mình sử dụng marketing vì mục đích gì mà thôi!
Bên cạnh đó thì mặt trái – mặt xấu của Marketing cũng không phải là ít.
Những hoạt động Marketing hay những quảng cáo truyền thông của bạn nếu không khéo sẽ tạo nên những tác động xấu ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Ví dụ như việc quảng cáo truyền thông tràn lan các sản phẩm gây áp lực tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, theo đuổi theo các xu hướng gây tiêu thụ quá mức.
Nếu chỉ nghĩ đến đây thôi thì còn nông lắm, nó tác động đến nhiều thứ khác như môi trường, xã hội. Bạn thấy nhan nhãn các thông tin tràn lan các tin về rác thải thời trang nhanh chứ? Chất thải công nghiệp? Đất đai bị tàn phá do hóa chất?
Rồi hàng loạt các tác động của Marketing, Quảng cáo như khuyến khích chủ nghĩa vật chất – thúc đẩy giá trị vật chất bên ngoài, định hình các khuôn mẫu trong xã hội – khuôn mẫu sai lệch, tiêu cực về cái đẹp, cái chuẩn, thúc đẩy tiêu dùng những sản phẩm không tốt cho sức khoẻ: thuốc lá, bia rượu, đồ uống có cồn,..
Hoặc quảng cáo nói láo, quảng cáo không đúng sự thật, nói quá về sản phẩm chỉ với mục đích bán hàng

Vậy với bạn Marketing là tốt hay xấu?
Bạn làm Marketing để giúp đỡ người khác hay đang lừa phỉnh họ để cố gắng bán những sản phẩm đôi khi có một lại nói thành mười?
Bạn làm Marketing để tăng nhận thức, trao giá trị tốt đẹp cho người khác hoàn thiện hơn hay chỉ là công cụ để thao túng tâm lý, làm lệch lạc suy nghĩ và che lắp những điều xấu?
Lúc mình nhận câu hỏi phỏng vấn này mình cũng đắn đo lắm. Vì mỗi người sẽ có góc nhìn và quan điểm riêng.
Mình nói với chị Nghi lúc phỏng vấn: Cái này tùy thuộc vào LỰA CHỌN & SỰ THÍCH NGHI của mỗi người.
Khi làm Marketing sẽ có những lúc áp lực khiến mình phải đối mặt với sự đấu tranh giữa sự TRUNG THỰC & NHU CẦU KINH DOANH. Một trong những áp lực đó là sự áp đặt để đạt được mục tiêu doanh số, tăng trưởng và lợi nhuận cho công ty. Cty có thể muốn tụi mình tạo ra thông điệp tiếp thị hoặc quảng cáo vượt qua ranh giới trung thực để thu hút khách hàng hoặc tăng doanh số bán hàng.
Để cân nhắc và quyết định trong tình huống như vậy, Tâm áp dụng một số nguyên tắc và tiêu chí sau đây:
1. Hiểu rõ giá trị cá nhân: Đầu tiên, Tâm xác định những giá trị cá nhân của bản thân và nguyên tắc đạo đức mà mình tin tưởng trong nghề. Điều này giúp mình xác định những giới hạn mà mình không muốn vượt qua và giữ vững sự trung thực trong công việc.
2. Cần tìm hiểu thêm về mục tiêu kinh doanh: Lúc thấy hoang mang là lúc cần chậm lại để suy xét nhiều thứ, bạn cần hiểu rõ mục tiêu kinh doanh và nhu cầu của doanh nghiệp. Bằng cách định rõ mục tiêu, bạn có thể tìm cách tối ưu hóa hiệu quả công việc mà không phải làm tổn thương sự trung thực.
3. Đề xuất giải pháp sáng tạo: Thay vì chỉ tuân thủ yêu cầu không trung thực, bạn có thể cố gắng đề xuất những giải pháp sáng tạo và phù hợp với giá trị cá nhân mà vẫn đáp ứng được mục tiêu kinh doanh. Điều này có thể làm thay đổi cách tiếp cận, nội dung hay phương pháp truyền thông để tạo ra sự kết hợp giữa trung thực và kinh doanh.
Giống như việc bạn phải làm Content cho một sản phẩm giảm cân nhưng thật sự chưa chắc nó thật sự tốt, thì hãy tìm hiểu kỹ sản phẩm và đưa ra những warning rõ ràng và phù hợp cho người tiêu dùng.
4. Trình bày và thương lượng: Đôi khi những suy nghĩ về nguyên tác của bạn không phù hợp với giá trị công ty đang muốn hướng đến, vì vậy bạn nên trình bày lợi ích dài hạn của việc giữ vững sự trung thực. Bằng cách chứng minh rằng sự trung thực sẽ tạo ra lòng tin, tạo dựng hình ảnh tốt cho cty và dẫn đến sự phát triển bền vững, mình có thể thuyết phục được các bên liên quan.
5. Xem xét hậu quả: Trước khi quyết định, hãy luôn xem xét kỹ lưỡng những hậu quả có thể xảy ra từ việc làm mất đi sự trung thực. Điều này có thể làm suy yếu lòng tin của khách hàng, làm tổn hại đến hình ảnh của cty và ảnh hưởng đến tương lai công việc và đội ngũ.
6. Tìm kiếm sự cân bằng: Cuối cùng, hãy luôn cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa sự trung thực và nhu cầu kinh doanh. Điều này có thể đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo để tìm ra các giải pháp mang tính đôi bên, đồng thời đảm bảo rằng mình không phải làm việc vượt quá giới hạn mà mình không thể chấp nhận.
Và đó là những giả định mình đưa ra nếu bạn đang trong trường hợp làm ở một doanh nghiệp với sản phẩm hay những giải pháp có tác động không tốt đến người tiêu dùng, hoặc bạn đang làm cho các công ty thuộc ngành khó như rượu, bia, thuốc lá.
Thật ra, tất cả lựa chọn là ở bạn, nhưng nếu bạn đang làm việc Marketing ở 1 công ty mà bạn lại nghĩ “mình đang làm điều xấu xa” thậm chí là làm cho công ty nhưng không dám đụng đến sản phẩm của công ty, không có niềm tin vào nó, luôn nghi ngờ và không hiểu sâu, thì mình khuyên chân thành, các bạn nên NGHỈ VIỆC SỚM!
Không phải vì bạn không kiếm được tiền, không phải bạn không giỏi… Mình nhìn mặt bằng chung thị trường các ngành khó này bạn có thể kiếm rất nhiều tiền là đằng khác.
Nhưng nếu kiến tiền mà bạn không HẠNH PHÚC thì mình thấy nó cũng chẳng còn ý nghĩa.
Mình luôn tìn vào LUẬT NHÂN QUẢ.
Ngày xưa lúc mình làm các dự án công nghệ như thiết kế website, làm landing page, dịch vụ content cho khách hàng,… Rất nhiều “dự án xấu xí” ấy mong muốn hợp tác với mình và với chi phí rất khủng, vì họ không tiếc tiền. Chính lúc này là lúc bạn hoàn toàn có thể đưa ra LỰA CHỌN làm hoặc không.
Nếu ngay từ đuầ bạn có những nguyên tắc cho bản thân bạn sẽ biết mình nên lựa chọn như thế nào cho đúng. Đúng hay Sai chỉ bạn mới là người đánh giá và lựa chọn.
Niềm tin khi làm nghề Marketing
Còn ở phía mình ngay từ đầu đã có những bộ nguyên tắc riêng cho bản thân trong nghề, nên gặp tính huống làm nhầm công ty có sản phẩm gây ảnh hưởng xấu, tác động đến quá lớn đến nhiều người, thì mình xin phép được NGHỈ trước khi mọi thứ đi quá xa.
Vì mình tin một điều, khi doanh nghiệp dùng tiền làm marketing mà lại đem đến được những giá trị tinh thần tốt đẹp thì cũng là cách họ dùng tiền của người tiêu dùng một cách có trách nhiệm và không lãng phí nguồn lực xã hội.
Khi bạn gửi hết tâm huyết vào những content trong từng mẫu quảng cáo, từng đợt tối ưu sản phẩm,… thì người xem cảm thấy rất khác: Tác dụng từ TÂM truyền đến TÂM sẽ mạnh mẽ vì nó đến từ tâm của bạn thì sẽ cảm được tâm của người tiêu dùng.
Khi mình có trí tuệ thì tạo được nhiều công đức, mà có nhiều công đức, thì việc tu tập tăng trưởng trí tuệ trở nên hanh thông hơn. Hai giá trị luôn song hành và bổ trợ cho nhau.
Làm nghề Marketing hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, để hạnh phúc thì hãy gieo nhân hạnh phúc, gieo những điều tốt đẹp. Nếu xã hội càng nhiều những điều tốt đẹp, những tấm lòng yêu thương và những con người sống nỗ lực, sống ý nghĩa, thì chắc chắn đó là một đất nước hạnh phúc và hưng thịnh. Đấy là logic để bản thân mình hoạch định những giá trị tinh thần mình mong muốn tạo ra, thông qua các chiến dịch marketing của bản thân và công ty mình lựa chọn để đồng hành.
Ngáo thích chill chill healing, nhìn đời bằng tâm trong sáng nên né xa xô bồ, drama…sợ lắm chèn ơi!
Nguồn: Ngọc Tâm – Founder Ngáo content