Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh

Mở Đầu
Nâng lên được đặt xuống được là cử tạ, còn nâng lên được mà không đặt xuống được gọi là gánh nặng.
Có bao giờ bạn từng suy nghĩ, nhận thức của mình sẽ được thay đổi bởi một cuốn sách. Tôi từng nghĩ việc nhận thức, suy nghĩ của một đứa có thể gọi là cố chấp như mình sẽ rất khó thay đổi. Song cuốn sách Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh đã khiến tôi có cái nhìn khác về sách.
Thật đáng tiếc nếu như những bạn hay nóng vội và vội vàng không thử đọc qua cuốn sách này. Cuốn sách như một khoảng lặng giúp tâm trí bạn trở nên tĩnh lặng hơn.
Tác Giả
Tác giả là đại sư Hoằng Nhất – vị tài tử buông mọi trần tục để quy y cửa Phật, người được mệnh danh tinh thông kim cổ và cũng có tầm ảnh hưởng lớn trong Phật giáo. Ngài được đệ tử Phật Môn tôn là thế tổ đời thứ 11 của Luật Tông, để lại cho người đời của cải tinh thần vô tận.
Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh
Cuốn sách dạy cho tôi cách sống với khí chất bình tĩnh, đềm đạm. Tôi dần từ bỏ lối sống vội vã và nóng vội trước kia. Bạn sẽ học được cách giữ bình tĩnh khi gặp vấn đề, để có thể tịnh tâm và suy nghĩ xa hơn. Giúp bạn từ bỏ được những thứ không cần thiết mà ngày thường bạn vẫn chưa một lần dám từ bỏ. Vì bạn chưa học được cách từ bỏ được ham muốn.
Cuốn sách gồm nhiều phần:
Phần 1: Từ bỏ ham muốn, tu một trái tim thanh tịnh
Làm việc kỵ nhất là nóng vội, nóng vội thì không kịp bối trí công việc của mình, sao có thể ung dung làm việc được. Trên đời có rất nhiều người thông minh nhưng lại vội vàng, người vội vàng trong thời gian ngắn có lẽ có thể đạt được một chút thành tích, nhưng rất khó làm việc lớn…
Phần 2: Tiết kiệm thực phẩm, y phục là vì trân trọng chứ không phải vì tiếc của
Nếu chúng ta có đủ mười phần phúc khí, hãy hưởng ba phần thôi, còn phần còn lại hãy để sau này. Đừng vội dùng hết, đó là cách làm vô cùng nóng vội…
Phần 3: Bình tĩnh ôn hòa mới có nội tâm mạnh mẽ
Giúp con người tôi luyện ý chí để bình tĩnh hơn khi xử lý mọi chuyện, đối mặt với gian nan vẫn bình thản, ung dung, bị chê hay bị khen cũng không tự ti, không kêu ngạo.
Phần 4: Buông bỏ, buông bỏ, càng buông bỏ, càng vui vẻ
Phần 5: Tu tâm cho tốt thì đời thong dong
Phần 6: Coi nhẹ phiền nhiễu hồng trần, trong lòng tự tại thanh thản
Phần 7: Từ bỏ sự cố chấp, mới có thể chờ hạnh phúc đến gõ cửa

Phần 8: Tốt với người khác, tâm hồn mới thật sự an yên
Phần 9: Hoa xuân khắp nơi, trăng sáng vằng vặc.
Sẽ đến lúc bạn nhận ra việc khoan dung với người khác còn khó hơn yêu thương người đó, điều này đòi hỏi một sự dũng cảm. Nhưng chỉ có khoan dung, tâm hồn ta mới được giải thoát.
Đầu tiên, có bạn đọc xong những dòng trên sẽ có suy nghĩ đọc xong cuốn sách này sẽ có cuộc sống an nhàn. Điều này không phù hợp với thực tế. Song, tôi không hề nói nếu bạn đọc cuốn sách bạn sẽ trở nên hiền lành, tốt bụng hay nhu nhược, bị yếu thế với mọi người. Mà sau khi đọc cuốn sách tôi cảm nhận được hơi thở cũng như hiểu hơn về mình.
Tại sao chúng ta cứ mãi than vãn về những điều tiêu cực đối với mọi người. Thật ra, không ai có trách nhiệm phải hứng chịu những cơn nóng giận của bạn cả. Mỗi người chúng ta đều có những mục tiêu và con đường riêng. Trên chặn đường đó sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Việc bạn cần làm không phải ở việc post lên Facebook, zalo những nỗi đau mình đang gánh phải. Thật sự những điều đó sẽ không làm bạn vơi đi những khó khăn hiện tại, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến người đọc.
Cuốn sách sẽ dạy bạn hiểu được giá trị cốt lõi của hạnh phúc trong lao động bằng những bài học đơn giản. Nó xuất phát từ suy nghĩ của chính bạn. Chúng ta sẽ có cách nhìn khác đối với các sự việc. Dẫu biết rằng, việc đó khó. Nhưng chỉ cần bạn biết cách buông bỏ những thứ không cần thiết và nhìn nó dưới góc nhìn tích cực thì thật sự không hề khó như bạn đã từng nghĩ.
Nghĩ hoa nở, hoa sẽ nở
Nghĩ hoa tàn, hoa sẽ tàn
Biết đường buông bỏ, sẽ rảnh rang.
Tất cả những hành động đều xuất phát từ nội tâm của bạn. Ở những chương đầu cuốn sách sẽ dạy bạn học cách điềm đạm hơn. Sự điềm đạm giúp chúng ta có thể đứng vững vàng trong nghịch cảnh, bằng lòng với hiện tại và cố gắng, nỗ lực cho tương lai. Bên cạnh đó, tác giả cuốn sách còn chỉ ra cho chúng ta hãy bớt ham muốn bởi chính ham muốn là gốc rễ của mọi sự đau khổ, khi chúng ta ham muốn những thứ không phải của chúng ta thì bản thân chúng ta sẽ bị dằn vặt, đau đớn, chính vì vậy “Bớt ham muốn thì tâm trí tĩnh lặng, có chủ kiến nhưng vẫn phải khiêm tốn’’.
Khi chúng ta gặp phải những khó khăn thường trực trong cuộc sống, điều đầu tiên chúng ta làm là trách móc, đổ lỗi cho hoàn cảnh và vô cùng nóng nảy. Chính sự nóng nảy đó khiến cho chúng ta mất bình tĩnh và để vuột những cơ hội để sửa chữa lại lỗi lầm của mình. Vì thế Đại sư Hoằng Nhất đã chỉ ra rằng: Làm việc kị nhất là nóng vội, nóng vội thì không kịp bố trí công việc của mình, sao có thể ung dung làm việc được?
Lời Khuyên
“Càng trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng tranh luận đúng sai hơn thua với người khác đôi khi không còn quan trọng nữa. Nếu là đúng, vốn chẳng cần tranh cãi. Nếu là sai, càng không có tư cách để tranh cãi. Quan trọng hơn cả là chỉ muốn bình yên.”
Hãy nhớ rằng “Nhẫn nhịn không phải nhu nhược, dễ bị ức hiếp, hoàn toàn trái ngược, đó là phản ứng tự nhiên của những người có tinh thần mạnh mẽ”. Không thể buông thả bản tính của mình nên dùng phương pháp ngược lại để kiềm chế nó, đạo lý này nằm ở một chữ nhẫn”
Mong rằng cuốn sách sẽ giúp bạn kiềm được tính nóng vội và điềm đạm để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống với tư duy và thái độ tích cực nhất có thể. Sống một cuộc sống vị tha, biết buông bỏ những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến bạn và mọi người xung quanh bạn.
T h u N g a n n